Xác định, việc xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính gắn với việc chuyển đổi số của tỉnh, đặc biệt là ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, quyết định làm cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố Tây Ninh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đến nay, 100% xã, phường của Thành phố đã kết nối internet băng thông rộng; Triển khai và áp dụng thực hiện các ứng dụng, tiện ích như: Tây Ninh Smart, Hệ thống hỏi đáp trực tuyến, Hệ thống phản ánh hiện trường, Hệ thống camera giám sát vi phạm giao thông, Hệ thống họp không giấy, Cổng dịch vụ công của tỉnh, Hệ thống Văn phòng EGov, Cổng dịch vụ công quốc gia…
Hiện nay, tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước cơ bản có thực hiện chuyển đổi số. 100% công chức có mã định danh mức độ 2, cập nhật đầy đủ thông tin liên quan đến phần mềm quản lý công chức. Thực hiện ứng dụng các phần mềm chuyên ngành để phục vụ trong công việc của cán bộ, công chức, viên chức như: Phần mềm quản lý cán bộ công chức viên chức; Tư pháp - Hộ tịch; Cung cầu lao động; Một cửa điện tử, Tài chính - Kế toán; Quản lý đất đai; Quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật…
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã áp dụng 2 sáng kiến trong việc thực hiện chuyển đổi số gồm: “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố Tây Ninh” và “Ứng dụng Zalo Official Account trong đăng ký tài khoản dịch vụ công, tra cứu thủ tục hành chính và nộp hồ sơ trực tuyến”; triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn như: Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành IOC (đang trình UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt); đầu tư hệ thống camera an ninh và giám sát giao thông trên toàn tỉnh;...
Hiện tại, ngoài Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, Phòng Chỉ huy điều hành đô thị thông minh (IOC, vận hành tháng 4.2024) thị xã Hoà Thành được xem là “bộ não số” của Thị uỷ, UBND Thị xã; IOC thị xã Trảng Bàng đang tiến hành nghiệm thu, IOC thành phố Tây Ninh đang trình đề án thành lập.
IOC của tỉnh đã đi vào vận hành cơ bản ổn định, tích hợp, cung cấp được số liệu, dữ liệu về chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dữ liệu của một số ngành, lĩnh vực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.
Tích hợp 21 bộ chỉ tiêu ngành gồm: thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; nông nghiệp và phát triển nông thôn; lao động, thương binh và xã hội; văn hoá - thể thao và du lịch; ngân hàng nhà nước; giao thông vận tải; công thương; tư pháp, thanh tra; giáo dục, tài chính, xây dựng...
Sở TT-TT cũng đã phối hợp Công an tỉnh thực hiện tích hợp về IOC theo Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (mô hình 36 và 39 của Kế hoạch 373 năm 2024 của Tổ công tác Đề án 06).
Nghị quyết số 02 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đề ra chỉ tiêu: “... có tối thiểu 2 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh...”.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2087 phê duyệt Đề án thí điểm chuyển đổi số và xây dựng thị xã Hoà Thành trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định 939 phê duyệt Đề án thí điểm chuyển đổi số và xây dựng thành phố Tây Ninh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.