Hoàn thành 9/16 chỉ tiêu, kế hoạch chuyển đổi số
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Tây Ninh gồm 46 nhiệm vụ, tính đến ngày 25/10/2024 toàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành 44/46 nhiệm vụ.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận 270.497 hồ sơ TTHC, trong đó, cấp tỉnh là 165.106 hồ sơ, cấp huyện là 26.060 hồ sơ và cấp xã là 79.331 hồ sơ; số lượng hồ sơ đã giải quyết là 260.103 hồ sơ; Tiếp nhận 306 phản ánh kiến nghị liên quan đến công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội; Tư pháp, căn cước công dân, hộ chiếu, đăng ký xe máy,..
Về chuyển đổi số, tính đến ngày 31/10/2024, tỉnh đã hoàn thành 9/16 chỉ tiêu, kế hoạch chuyển đổi số. Trong đó, tỷ lệ nộp hồ sơ trên cổng thông tin trực tuyến, tỷ lệ thanh toán trực tuyến, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt tỷ lệ chưa cao.
Với những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2024, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, Cải cách hành chính tỉnh yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung, chỉ đạo rà soát các nội dung, tiêu chí, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu kiểm chứng phục vụ chấm điểm cải cách hành chính.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc các cơ quan đơn vị, địa phương trong công tác cải cách thủ tục hành chính; Tham mưu kiện toàn tổ công tác nhằm kiểm tra công vụ, thiết lập kỹ luật kỹ cương trong kiểm tra công vụ. Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; đồng bộ đường truyền kết nối; hoàn thiện phần mềm đảm bảo giao diện thân thiện, hỗ trợ người dân thao tác thuận tiện; đẩy mạnh số hóa và sử dụng lại dữ liệu số hóa 100% hồ sơ; rà soát công khai thủ tục hành chính đã số hóa, kịp thời phát hiện những sai sót, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.
Các địa phương đẩy mạnh tổ công nghệ số cộng đồng, tập huấn cho tổ công nghệ cộng đồng; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về hướng dẫn nộp thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp ở Tây Ninh
Năm 2024 để đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (chỉ số SIPAS) Bộ Nội vụ đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện khảo sát ở Tây Ninh 558 phiếu, hình thức gửi phiếu trực tiếp cho người người dân ở 18 ấp, khu phố thuộc 3 huyện, thị xã, thành phố (gồm huyện Bến Cầu, thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh), Bưu điện tỉnh Tây Ninh đã thực hiện hoàn tất trong tháng 12/2023 và gửi về Bộ Nội vụ.
Về đánh giá kết quả chỉ số CCHC của địa phương (chỉ số PAR INDEX) Bộ Nội vụ thực hiện 2 nội dung:
Thực hiện khảo sát các đối tượng cán bộ, công chức là lãnh đạo phòng ban và lãnh đạo Sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo UBND huyện, thị xã, thành phố và đối tượng là Đại biểu HĐND tỉnh với số lượng là 396 phiếu, thời gian trả lời phiếu từ 15/12/2023 đến 10/1/2024, Tây Ninh cũng đã hoàn thành 100% việc trả lời phiếu.
Thực hiện tự đánh giá trên phần mềm với 08 nội dung thuộc trách nhiệm của 06 cơ quan (Sở: Nội vụ, Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư).
Kết quả đánh giá sơ bộ thì tỉnh còn những hạn chế ở một số tiêu chí như: Công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình; thực hiện thanh toán trực tuyến; số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường và tiêu chí; số vốn đăng ký của doanh nghiệp; mức độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do HĐND tỉnh giao; nội dung Cải cách tài chính công.
Cửu Long