Thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống người dân

Thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, đã tạo nên phong trào thi đua trong các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân Tây Ninh. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Cơ cấu hạ tầng đường sá giao thông nông thôn, trường học, cơ sở y tế... được đầu tư nâng cấp, xây mới khang trang.

Theo đó, đời sống kinh tế của người dân được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. An ninh trật tự được tăng cường và giữ vững.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I (2022-2025) như giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 50%; 100% số xã vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; hệ thống giao thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của người dân, trên 85% số xã, ấp vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân; tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35%-40%, trong đó, có ít nhất 50% là lao động nữ; 95,5% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; Phong trào văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc luôn được quan tâm, phát triển; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững, ổn định.

Bên cạnh các chính sách giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh còn triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo của tỉnh, … và hộ nghèo không khả năng thoát nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân, trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp.

Kiến nghị, điều chỉnh bổ sung một số chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM

BND tỉnh Tây Ninh cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 là 2.983,688 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 480,543 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 2.503,145 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu phân bổ cho chương trình xây dựng nông thôn mới (98,7% vốn đầu tư công và 46,7% vốn sự nghiệp); đối với 2 chương trình còn lại mức vốn đầu tư tương đối thấp do tỉnh không có đối tượng, địa bàn được ưu tiên đầu tư.

Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế về hướng dẫn tổ chức thực hiện văn bản chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương, dẫn đến tiến độ bị ảnh hưởng.

Qua quá trình triển khai, Tây Ninh vẫn còn gặp một số vướng mắc, bất cập như công tác lồng ghép nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia gặp nhiều khó khăn do các Bộ, ngành chưa hướng dẫn rõ nội dung không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các Chương trình. Việc huy động các nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thấp, nhất là việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn khiêm tốn.

Nhiều xã vùng sâu, vùng xa chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng khu dân cư mới. Chưa huy động được nguồn vốn tín dụng và phát huy nội lực của địa phương về tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Các Chương trình có nhiều nội dung toàn diện, tổng hợp và thực hiện trong thời gian dài nhưng lực lượng cán bộ ở cơ sở còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu…

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội hôm 20/7, UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị, xem xét, điều chỉnh bổ sung một số chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 như: tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ≥ 55% (≥ 30% từ hệ thống cấp nước tập trung); kiến nghị dừng thực hiện tiêu chí tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử: ≥70% trong giai đoạn 2021 - 2025, do ở vùng sâu, vùng xã hạ tầng viễn thông chưa được kết nối đồng bộ, người dân còn nghèo, thu nhập thấp nên chưa đủ khả năng sử dụng điện thoại thông minh, cũng như không biết sử dụng app mobile.

Bên cạnh đó, có văn bản hướng dẫn, thống nhất các nội dung được thực hiện đối với Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn để Tây Ninh có cơ sở triển khai thực hiện…

Nguyễn Hằng và nhóm PV, BTV