Theo đánh giá của Sở TT-TT tỉnh Tây Ninh, mô hình tổng thể của trung tâm IOC cho phép tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của ngành và địa phương trên tất cả các lĩnh vực.
Qua đó, giúp lãnh đạo các cấp có khả năng giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ do ngành, địa phương cung cấp một cách tổng thể, có khả năng phân tích dữ liệu lớn và hỗ trợ ra quyết định, mang đến hiệu qủa, cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội.
Thời gian vừa qua, một số sở, ngành, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề án hoặc thí điểm xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Điều này thể hiện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã có sự quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh.
Tuy nhiên, hệ thống IOC các ngành, địa phương chủ yếu tiếp nhận, chia sẻ dữ liệu thống kê từ IOC tỉnh và bổ sung thêm việc quản lý, giám sát hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự ở địa phương và một số ít dữ liệu riêng của ngành, địa phương. Do đó, để tránh lãng phí khi đầu tư xây dựng trung tâm IOC các ngành, địa phương khi chưa có nguồn dữ liệu lớn, Sở Thông tin và Truyền thông khuyến cáo không nên nóng vội. Theo đó, không triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm IOC khi chưa xác định rõ sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu cụ thể, chưa bảo đảm sẵn sàng các yếu tố cần thiết cho việc duy trì, vận hành và chưa có nguồn dữ liệu đủ lớn để tích hợp về IOC.
Dữ liệu là yếu tố cốt lõi của IOC. Các chức năng thông minh như phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ ra quyết định sẽ được thực hiện trên nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu mà tỉnh đang đầu tư phục vụ dùng chung. Các ngành, địa phương chỉ nên chú trọng tạo lập dữ liệu để hình thành nên các trung tâm điều hành của ngành, địa phương (OC), tích hợp dữ liệu về trung tâm IOC của tỉnh để phân tích, chia sẻ kết quả về lại cho ngành và địa phương quản lý, điều hành. Khi nào dữ liệu ngành, địa phương đủ lớn thì mới tính đến việc xây dựng IOC riêng.
Để đảm bảo yêu cầu chất lượng, Sở Thông tin và Truyền thông khuyến nghị các sở, ngành, địa phương không nóng vội, tránh rủi ro và lãng phí trong triển khai Trung tâm IOC tại sở, ngành, địa phương. Bởi, Trung tâm điều hành thông minh (IOC - Intelligent Operation Center) được ví như “bộ não số điều hành số” của các địa phương với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh, thành phố trên mọi lĩnh vực.
Trong giai đoạn 2024-2025, các địa phương chỉ nên tập trung vào tạo lập dữ liệu phục vụ quản lý điều hành như nền tảng số để thu thập, tổng hợp các dữ liệu ở địa phương; đầu tư các hệ thống giám sát thông minh, camera giám sát các hoạt động, hạ tầng giao thông, đèn chiếu sáng, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… hình thành OC chuyên ngành, địa phương.
Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục tạo lập dữ liệu cho trung tâm OC. Khi dữ liệu đủ lớn sẽ hình thành các trung tâm điều hành IOC ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, hệ thống màn hình hiển thị (dashboard) chỉ giúp hiển thị thông tin, dữ liệu một cách trực quan trên hệ thống màn hình lớn để dễ dàng quan sát, phù hợp 3 với việc giám sát, điều hành các hoạt động thường ngày của đô thị gắn với hiện trường như: giám sát giao thông, an ninh trật tự...
Các ngành, địa phương cần cân nhắc việc triển khai phòng giám sát, điều hành với hệ thống dashboard quy mô lớn nếu chỉ hiển thị các thông tin, dữ liệu mang tính thống kê, tổng hợp; chủ động xác định nội dung đặt hàng với doanh nghiệp công nghệ để xây dựng Trung tâm OC giải quyết các vấn đề đặc thù, đặc trưng của ngành, địa phương mình.
Hoà Thành