Theo đánh giá của UBND tỉnh Tây Ninh, trong thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến hết tháng 9/2023, có 120 HTX nông nghiệp, chiếm khoảng 66% tổng số HTX của tỉnh, thu hút gần 3.880 thành viên chủ yếu là hộ nông dân tham gia.

anh bai 32.jpg
Hiện đã hình thành và phát triển liên kết kinh tế giữa các HTX nông nghiệp với nhau và giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp.

Các HTX nông nghiệp từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ hướng đến quy mô lớn. 

Chất lượng nông sản hàng hóa của các HTX nông nghiệp ngày càng được nâng lên; sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì phong phú; các HTX đã thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết đầu tư; liên kết vùng nguyên liệu, phát triển thị trường, mở rộng sản xuất, thu hút được nhiều lao động ở nông thôn tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến nay đã hình thành và phát triển liên kết kinh tế giữa các HTX nông nghiệp với nhau và giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện toàn tỉnh đã có 80/120 HTX nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp, HTX với HTX.

Đặc biệt, các HTX nông nghiệp thành lập mới năm 2023 đa dạng hơn về mô hình sản xuất kinh doanh, nhạy bén trong việc áp dụng các quy trình công nghệ, áp dụng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động của HTX nông nghiệp nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, nguyên nhân chính là do HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, trình độ, năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế; vai trò kết nối giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp thông qua liên kết chưa cao; chính sách ưu đãi, phát triển HTX nông nghiệp còn bất cập.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, mới đây UBND tỉnh Tây Ninh đã có kế hoạch về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu số lượng HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số HTX nông nghiệp trên toàn tỉnh; xây dựng ít nhất 5 mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; doanh thu bình quân/HTX nông nghiệp đạt từ 2,5 - 5 tỷ đồng/năm trở lên; vận động từ 40 - 50% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên HTX nông nghiệp; khoảng 30% HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ít nhất có khoảng 10% HTX nông nghiệp là chủ thể OCOP; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu 15% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh. 

Từ các mục tiêu này, kế hoạch đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cao vai trò cấp ủy Đảng, chính quyền, Liên minh HTX và các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển HTX nông nghiệp; Xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả; Rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển HTX nông nghiệp; Đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.

UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển để HTX nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững; cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; thúc đẩy hình thành, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp vùng; tổ chức quản trị tốt chất lượng, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản; chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; từng bước hình thành các trung tâm logistics phục vụ nông nghiệp; góp phần quan trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức, nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững; xây dựng quan hệ bình đẳng, môi trường hợp tác, liên kết lành mạnh; tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao vị thế, vai trò của người dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. 

Vân Anh và nhóm PV, BTV