Ngày 3/9, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo tiếp tục hoãn phóng tên lửa SLS, chứa tàu vũ trụ Orion do vấn đề kỹ thuật.

Tuyên bố của NASA được đưa ra chỉ 3 tiếng trước thời điểm dự kiến phóng, bắt đầu lúc 14h17 ngày 3/9 (giờ Mỹ), tức 1h17 4/9 (giờ Việt Nam) tại bãi phóng 39B thuộc Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida.

Theo CNN, các kỹ sư NASA đã phát hiện một lượng hydro lỏng bị rò rỉ vào sáng 3/9. Đây là một trong những chất được dùng để tiếp vào phần lõi của tên lửa. Sự cố rò rỉ khiến đội ngũ không thể tiếp đầy bình hydro lỏng dù đã thử nhiều giải pháp khác nhau.

NASA huy phong Artemis I anh 1

Tên lửa SLS không thể cất cánh trong đợt phóng thứ 2. Ảnh: WSJ.

Đây là lần thứ 2 tên lửa SLS bị hủy phóng. Trước đó vào 29/8, đợt phóng đầu tiên đã bị hủy sau một số sự cố, bao gồm hệ thống làm mát động cơ không hoạt động đúng cách, cũng như rò rỉ nhiên liệu trong quá trình bơm từ ống dẫn đến lõi tên lửa.

Trong lần phóng thứ 2, sự cố được phát hiện lúc 7h15 sáng 3/9 (giờ Mỹ) tại ổ ngắt nhanh ống dẫn hydro trong phần động cơ lõi tên lửa. Sự cố này khác so với tình trạng rò rỉ nhiên liệu xảy ra trong đợt phóng trước.

Các kỹ sư đã làm nóng ống dẫn để bịt kín dòng hydro. Sự cố được khắc phục trong thời gian ngắn trước khi dòng hydro lỏng tiếp tục bị rò rỉ.

Do vị trí thay đổi liên tục của Trái Đất và Mặt Trăng, NASA chỉ có thể phóng SLS vào ngày 5/9 hoặc 6/9. Nếu không, tên lửa sẽ phải kéo ra khỏi bãi phóng, trở lại cơ sở lắp ráp để bảo dưỡng. Trong trường hợp đó, ngày phóng có thể dời đến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.

Hệ thống Phóng Không gian (Space Launch System - SLS) được lên kế hoạch mang theo tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo Mặt Trăng trong chuyến bay thử nghiệm Artemis I. Nếu thành công, đây là bước khởi đầu cho sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt Trăng của NASA sau khi sứ mệnh Apollo kết thúc cách đây nửa thế kỷ.

Chuyến bay Artemis I không có phi hành gia, được phóng nhằm kiểm tra hiệu quả tấm chắn nhiệt trên khoang phi hành đoàn, thử nghiệm công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói Callisto trên tàu vũ trụ Orion.

Nếu chuyến bay đầu tiên hoàn thành tốt đẹp, NASA sẽ đưa phi hành gia lên chuyến bay Artemis II, dự kiến được phóng vào năm 2024 để quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Năm 2025, chuyến bay Artemis III sẽ đưa con người đáp xuống bề mặt Mặt Trăng lần tiếp theo sau 50 năm.

(Theo Zing)

Bên trong nhà máy tên lửa khổng lồ của Mỹ: NASA sẽ quay trở lại mặt trăng như thế nào?

Bên trong nhà máy tên lửa khổng lồ của Mỹ: NASA sẽ quay trở lại mặt trăng như thế nào?

NASA sắp thực hiện một cuộc hành trình mà cơ quan này đã không thực hiện trong 50 năm. Và để đạt được điều đó, nước Mỹ đã quyết định chế tạo tên lửa mạnh nhất từ ​​trước đến nay.