Tết Nguyên đán của Hàn Quốc hay còn gọi là Seollal - một ngày lễ đánh dấu ngày đầu tiên của lịch truyền thống Hàn Quốc hay lịch Dangun.

Giống Việt Nam, đây là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất và là dịp đoàn viên sum vầy gia đình ở Hàn Quốc. 

Thời gian

Seollal thường chỉ kéo dài ba ngày, tính từ ngày Giao thừa. Nhiều người Hàn Quốc thậm chí vẫn đi làm vào những ngày này. Năm nay, Sellal bắt đầu vào Chủ Nhật, ngày 22/01/2023.

Trong khi đó, Tết Nguyên đán tại Việt Nam thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp (ngày Ông Táo lên chầu trời) và kết thúc khi hạ cây nêu (theo truyền thống) vào ngày mùng 7 tháng Giêng.

Những ngày giáp Tết, các gia đình ở Hàn Quốc và Việt Nam đều dọn dẹp trang trí nhà cửa và đi sắm Tết để chuẩn bị các mâm cơm dâng cúng tổ tiên.

Nghi lễ

Vào đêm giao thừa, cả gia đình người Hàn Quốc quây quần bên nhau trò chuyện và thức đến sáng bởi một truyền thuyết cho rằng lông mày sẽ bạc trắng nếu ngủ vào thời khắc này.

Người Hàn Quốc thường thức qua đêm giao thừa cùng nhau.

Đêm giao thừa tại Việt Nam, gia chủ thường làm lễ trừ tịch vào khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới để cúng vị quan Hành khiển cai quản nhà cửa. Thành viên gia đình không nhất thiết phải thức trắng cả đêm.

Hai phong tục đặc biệt trong đêm giao thừa Hàn Quốc là treo cái sàng xua đuổi quỷ dạ xoa và treo một đấu gạo trước cửa hoặc trong bếp để cầu mong may mắn, hạnh phúc và tài lộc. 

Vào ngày năm mới, theo truyền thống, các gia đình Hàn Quốc cũng tham gia vào một nghi lễ tôn kính tổ tiên (gọi là Charye). Mọi người chuẩn bị bàn cúng Charye với trái cây đủ màu sắc, các món ăn được bày lên bàn với niềm tin rằng hương linh gia tiên sẽ thưởng thức.

Một mâm cúng Charye.

Sau đó, các thành viên tham gia nghi lễ "eumbok", tức là ăn đồ vừa cúng để tổ tiên ban phước lành cho năm tới.

Theo truyền thống, các gia đình tập trung tại nhà của người họ hàng nam lớn tuổi nhất trong họ để tỏ lòng thành kính với thế hệ đi trước. 

Nghi lễ báo hiếu Sebae.

Ngoài ra, nghi lễ báo hiếu Sebae là một điểm đặc biệt vào dịp Seollal. Trong trang phục truyền thống, mọi người chúc người lớn tuổi một năm mới hạnh phúc bằng cách cúi đầu thật sâu và nói câu 'saehae bok mani' badeuseyo' (새해 복 많이 받으세요, "Năm mới hãy nhận được thật nhiều may mắn ạ!").

Cách thực hiện nghi lễ Sebae.

Sau đó, người lớn tuổi thường thưởng cho trẻ em tiền mừng năm mới hay tiền tiêu vặt (gọi là Sebaet Don) đựng trong túi lụa với thiết kế truyền thống đẹp mắt, cũng như đưa ra những lời dặn dò thông thái (Dŏkdam). 

Tại Việt Nam, trẻ em cũng được tặng những phong bao lì xì để nhận may mắn và sức khỏe cho năm mới.

Món ăn

Mặc dù thức ăn chuẩn bị cho lễ Charye khác nhau tùy theo vùng, nhưng các món ăn phổ biến nhất là cơm, súp, thịt, hải sản, rượu, trái cây và rau. 

Ddeokguk là món ăn vào ngày đầu năm mới ở Hàn Quốc.

Một món ăn tiêu biểu khác là ddeokguk/tteokguk, hay súp bánh gạo. Mặc dù được ăn quanh năm nhưng ddeokguk lại có ý nghĩa đặc biệt trong ngày Seollal. Trẻ em đặc biệt thích ăn món này vì theo quan niệm, ăn một bát đánh dấu thêm một tuổi theo lịch âm.

Tại Việt Nam, bánh chưng, bày dày, bánh tét là những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết.

Có thể thấy, thành phần chính trong các món ăn truyền thống ngày năm mới ở Việt Nam và Hàn Quốc đều được làm từ gạo - một nét đặc trưng cho nền văn hóa lúa nước.

Hoạt động

Trong thời gian này, nhiều người Hàn Quốc đi thăm họ hàng, mặc trang phục truyền thống Hanbok/Chosŏn-ot (cách gọi của Triều Tiên) và chơi các trò chơi dân gian. Các gia đình thường chơi bài hoa GoStop/Godori và trò chơi gậy Yut Nori.

Bộ bài Godori.

Trò chơi bài hoa Godori sử dụng thẻ Hwatu (nghĩa là "Trận chiến của những bông hoa”). Bộ bài này có 48 thẻ, 4 thẻ đại diện cho mỗi tháng trong năm. Mục tiêu của trò chơi là kết hợp các thẻ với bộ tương ứng của chúng.

Trò chơi gậy Yut Nori.

Trò chơi gậy Yut Nori cũng rất phổ biến. Dụng cụ chơi Yut Nori bao gồm 1 bàn chơi làm bằng vải hoặc gỗ, có hình vuông hoặc hình tròn và 4 cây gậy yut.

Yut Nori yêu cầu có 2 người hoặc 2 đội chơi và chơi bằng cách di chuyển các quân cờ trên bàn cờ. Mỗi bên lần lượt ném gậy yut (có vai trò giống như xúc xắc) để quyết định bước đi trên bàn chơi.

Tại Việt Nam, Tết là mùa của những lễ hội. Mỗi địa phương sẽ tổ chức các lễ hội truyền thống với nhiều trò chơi dân gian thú vị, tiêu biểu như kéo co, đấu vật, đua thuyền, cờ người...

Bảo Huy