Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm. Người xưa chọn ngày đầu tiên của tiết Thanh minh để làm ngày tết Thanh minh.

Năm 2023, tết Thanh minh sẽ nhằm ngày 5/4 dương lịch (15/2 âm lịch), sau khi kết thúc tiết Xuân phân và kéo dài đến ngày 20/4.

Về mặt nghĩa đen, thanh là khí trong, minh là sáng sủa. Thanh minh nghĩa là khí trời mát mẻ quang đãng. Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày.

Vào tiết Thanh minh, nhiều gia đình cùng nhau đi tảo mộ. Ảnh minh họa: VietNamNet.

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ nổi tiếng mà hầu như người Việt nào cũng thuộc: "Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh...". Câu này khiến mọi người nghĩ rằng tết Thanh minh luôn diễn ra vào tháng 3 âm lịch. 

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay người ta tính các tiết khí theo lịch dương. Năm Quý Mão nhuận tháng 2 nên tết Thanh minh nhằm vào 15/2 âm lịch chứ không phải tháng 3 âm lịch. 

Về ý nghĩa và nguồn gốc, tết Thanh minh và tết Hàn thực hoàn toàn khác nhau.

Vào tết Thanh minh, các gia đình thường đi tảo mộ, làm lễ cúng, dọn dẹp nhà cửa, ban thờ… để tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. 

Trong khi đó, tết Hàn thực lại cố định vào ngày 3/3 (âm lịch) hàng năm. Năm 2023, tết Hàn thực nhằm ngày 22/4 (dương lịch).

Nhiều gia đình làm banh trôi bánh chay cúng tổ tiên, thần linh trong dịp tết Hàn thực. Ảnh minh họa: VietNamNet.

Nhiều nơi gọi tết Hàn thực với tên dân dã là ngày bánh trôi bánh chay. Hàng năm, vào tết Hàn thực, người dân lại chuẩn bị các nguyên liệu để làm bánh trôi, bánh chay dâng lên tổ tiên, thần linh.

Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội.

(Tổng hợp)