Bộ Tài chính kiến nghị xem xét bỏ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; đồng thời, nghiên cứu bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về rà soát các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Tài chính cho rằng hoạt động mua bán nợ không ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Việc quy định các điều kiện như tại Nghị định 96 cũng không nhằm mục đích đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Hoạt động mua bán nợ không cần là ngành có điều kiện.

Vì vậy Bộ Tài chính kiến nghị xem xét bỏ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Đồng thời nghiên cứu bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư.

Mua bán nợ là việc bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ trả tiền cho bên bán nợ.

Hiện nay điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được quy định tại Nghị định 96 năm 2016.

Nghị định 96 do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo và Bộ Tài chính là cơ quan được giao là bộ quản lý nhà nước đối với ngành nghề này.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến về việc bãi bỏ Nghị định 107 năm 2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ do các điều kiện tại Nghị định này không cần thiết với thực tế hoạt động của ngành nghề này mà chỉ cần đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự theo Nghị định 96 năm 2016.

Bộ Tài chính cho biết, hiện có 22 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nàm trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

L.Bằng