Theo Bloomberg, Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha đã có quyết định trên sau cuộc họp của Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 Thái Lan (CCSA) chiều 25/6, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại những nơi tập trung đông người.
Nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở tỉnh Ayuthaya. (Ảnh: BangkokPost) |
Ông Prayuth nói, lệnh phong tỏa có chọn lọc ở Bangkok và 4 tỉnh Narathiwat, Pattani, Songkhla và Yala cùng một số giới hạn khác nhằm giảm thiểu những hoạt động "rủi ro" sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/6. Bộ Lao động sẽ bồi thường cho tất cả công nhân Thái Lan và lao động nhập cư bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh biến thể Delta nguy hiểm hơn đang phát tán ở Thái Lan, nhà chức trách đã phát hiện nhiều chùm ca bệnh mới tại các khu nhà ở dành cho công nhân tại Bangkok và các tỉnh miền nam, gây thêm áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ và các cơ sở y tế ở những nơi này.
Lãnh đạo Chính phủ Thái Lan kêu gọi công chúng hợp tác bằng việc hạn chế đi lại. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải cân nhắc các biện pháp cẩn thận để không làm xấu đi tình hình sức khỏe của người dân hoặc nền kinh tế, trong khi vẫn đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng".
Thái Lan hiện ghi nhận 236.291 ca mắc với 1.819 trường hợp tử vong. Chó đến nay, nước này đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho khoảng 6% dân số và đang tìm cách đẩy nhanh chiến dịch chủng ngừa để đạt mục tiêu tái mở cửa biên giới vào tháng 10.
Thủ tướng Prayuth cũng xác nhận kế hoạch "hộp cát Phuket" nhằm tái mở cửa ngành du lịch trên hòn đảo này cho các du khách đã chủng ngừa đầy đủ, bắt đầu từ tháng 7. Các du khách quốc tế đến đây sẽ không phải cách ly 2 tuần như ở những nơi khác thuộc Thái Lan.
WHO kêu gọi các nước cung cấp thêm vắc xin
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 25/6 đlên án "sự thất bại toàn cầu" khi các nước giàu đang khôi phục dần hoạt động của xã hội và nền kinh tế, chủng ngừa cho những người trẻ tuổi có nguy cơ nhiễm Covid-19 thấp hơn, giữa lúc các nước nghèo hơn vẫn đang thiếu vắc xin trầm trọng.
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tình hình tại châu Phi, nơi số ca nhiễm mới và tử vong vì dịch tăng vọt gần 40% vào tuần trước đang "vô cùng nguy hiểm", trong bối cảnh biến thể Delta đã lây lan khắp toàn cầu.
Ông Ghebreyesus không nêu tên cụ thể quốc gia nào đang trì hoãn việc chia sẻ vắc xin với các nước thu nhập thấp. Ông so sánh điều đó với cuộc khủng hoảng HIV/AIDS, khi một số nước châu Phi từng không thể tiếp cận thuốc điều trị.
“Vấn đề bây giờ là về nguồn cung ứng, chỉ cần trao cho chúng tôi vắc xin. Sự khác biệt giữa các nước có và các nước không có vắc xin đang phơi bày sự bất công bằng của thế giới chúng ta. Hãy đối mặt với nó”, ông Ghebreyesus nói.
Theo Reuters, kể từ tháng 2, chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu do WHO đứng đầu đã chuyển giao 90 triệu liều cho 132 nước, nhưng đang vấp phải những thách thức lớn về nguồn cung sau khi Ấn Độ ngưng xuất khẩu chế phẩm để tập trung đối phó với "sóng thần" dịch bệnh trong nước.
Phóng viên tháp tùng tổng thống Afghanistan thăm Mỹ mắc Covid-19
Văn phòng bác sĩ của Quốc hội Mỹ hôm 25/6 cho biết, một phóng viên quay phim trong đoàn tháp tùng Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani công du Mỹ vừa có xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Ông Ghani đã có mặt ở Washington trong tuần này để gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo quốc hội nước chủ nhà, trong bối cảnh các binh sĩ Mỹ cuối cùng chuẩn bị rời khỏi Afghanistan.
Một nguồn thạo tin tiết lộ với hãng thông tấn Reuters rằng, phóng viên quay phim không dự cuộc gặp của tổng thống Afghanistan với các lãnh đạo quốc hội mỹ, nhưng có mặt tại cuộc chụp ảnh lưu niệm giữa ông Ghani và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Nguồn tin nói thêm, mọi người trong phái đoàn đều đã tiêm vắc xin ngừa virus corona chủng mới.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 26/6 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 181,1 triệu người, trên 3,9 triệu ca tử vong. Song, hơn 165,7 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 34,5 triệu ca mắc và 619.135 bệnh nhân không qua khỏi.
- Hiệp hội Y tế Indonesia cho biết, gần 1.000 nhân viên y tế, bao gồm 401 bác sĩ ở nước này đã thiệt mạng vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong đó, 14 người đã được tiêm phòng đầy đủ.
- Do tỉ lệ mắc virus giảm nhờ tăng tốc chiến dịch tiêm chủng đại trà, nhà chức trách Tây Ban Nha thông báo dỡ bỏ các quy định hạn chế số lượng khán giả theo dõi trực tiếp tại các trận thi đấu bóng đá và bóng rổ chuyên nghiệp từ mùa giải tới. Theo đó, chính quyền các địa phương có thể tự quyết định người hâm mộ có được theo dõi trực tiếp trận đấu trên sân hay không cũng như số lượng người có thể tham dự.
- Bộ Y tế Israel hôm 25/6 tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng có không gian đóng kín chỉ sau 10 ngày gỡ bỏ, vì số ca nhiễm Covid-19 có xu hướng tăng vọt, mỗi ngày hơn 100 ca trong 4 ngày trở lại đây. Nhà chức trách kêu gọi người dân đeo khẩu trang tại các khu vực ngoài trời tập trung đông người, chẳng hạn như tại lễ diễu hành dự kiến thu hút hàng nghìn người tham gia vào cuối tuần này.
- Theo một nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Y khoa Anh, tuổi thọ trung bình của người Mỹ, bao gồm cả người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha, đã giảm từ khoảng 79 tuổi vào năm 2018 xuống còn khoảng 77 tuổi vào cuối năm 2020, chủ yếu vì Covid-19. Các nhà nghiên cứu nhận định, bệnh dịch hoành hành đã khiến một bộ phận người Mỹ không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết, cũng như phải hứng chịu tình trạng gián đoạn của một số dịch vụ khác.
Tuấn Anh
Singapore lên lộ trình sống chung với Covid-19
Các bộ trưởng phụ trách chống Covid-19 của Singapore cho biết, nước này đang vạch ra lộ trình chung sống với virus, với dự báo dịch bệnh sẽ trở nên phổ biến như cúm và tỷ lệ chủng ngừa đại trà tăng lên.
Số ca Covid-19 tăng kỷ lục ở Indonesia, Hàn Quốc nới lỏng giãn cách
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Indonesia khi nước này vừa trải qua một ngày tăng kỷ lục các ca mắc.