Ứng dụng có tên Mor Chana, được xem là công cụ mạnh mẽ giúp người dùng đánh giá nguy cơ nhiễm virus, hỗ trợ nhà chức trách tìm ra người có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 và ngăn chặn lây nhiễm giữa các nhân viên y tế.
Mor Chana là sản phẩm hợp tác giữa cơ quan nhà nước và nhà phát triển tư nhân. Dữ liệu thu thập từ ứng dụng sẽ được hệ thống trí tuệ nhân tạo phân tích để dùng cho các nghiên cứu về đại dịch đang được Bộ Kiểm soát bệnh tật (DDC) tiến hành.
Theo ông Anuchit Anuchitanukul, đại diện của nhóm phát triển, Mor Chana ra đời sau hai tuần làm việc của các tình nguyện viên, công dân và cả khu vực công lẫn tư. Tổ chức Code for Public và một nhóm chuyên gia phân tích dữ liệu, phần mềm đã tham gia viết ứng dụng. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các viện đào tạo, quan chức y tế, tổ chức công – tư khác.
Mor Chana dùng công nghệ GPS và Bluetooth để theo dõi địa điểm. Nếu nhân viên y tế sử dụng ứng dụng, họ sẽ biết được ai từng tiếp xúc gần với bệnh nhân và tránh được nguy cơ lây nhiễm. Còn với người dùng thông thường, họ có thể dùng để biết được khu vực nào có nguy cơ cao và điều chỉnh kế hoạch đi lại.
Việc đăng ký được thực hiện ẩn danh, chỉ cần tới số điện thoại di động. Sau khi trả lời các câu hỏi khảo sát, họ sẽ nhận được kết quả về nguy cơ lây nhiễm, hiển thị bằng 4 màu: xanh (thấp nhất), vàng (thấp), cam (rủi ro), đỏ (rủi ro cao).
Ông Anuchit cho biết Mor Chana có nhiều lớp bảo mật. Tất cả dữ liệu được thu thập và hiển thị dưới dạng ẩn danh. Người dùng chỉ chia sẻ dữ liệu nếu nhà chức trách liên hệ để điều tra dịch tễ. Dữ liệu của ứng dụng do nền tảng phân tích DDC iLab xử lý.
Bộ trưởng Xã hội và Kinh tế số Buddhipongse Punnakanta khẳng định ứng dụng tuân thủ nghiêm ngặt luật bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư. Một hội đồng độc lập được thành lập để theo dõi quy trình xử lý dữ liệu, bảo đảm tuân theo các điều khoản trong luật. Mọi hồ sơ sẽ được xóa ngay lập tức một khi khủng hoảng chấm dứt.