Theo Công an tỉnh Thái Nguyên, xã Cúc Đường (huyện Võ Nhai) là địa bàn vùng cao với hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, số hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã còn chiếm tỷ lệ cao.
Trước những khó khăn chung của xã cũng như của bà con nhân dân, Công an tỉnh Thái Nguyên đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quyên góp, ủng hộ các thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho người dân.
Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh và UBND huyện Võ Nhai trao tặng 200 bình chữa cháy cho người dân. Đã trao tặng, bàn giao 100 thiết bị báo cháy, chống trộm cho Công an tỉnh Thái Nguyên. Số thiết bị này sẽ được phân bổ cho Công an huyện Võ Nhai và Công an huyện Định Hóa để chuyển đến các Tổ dân phòng, Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn 2 huyện.
Giám đốc Công an tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mỗi hộ gia đình tự trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy; đồng thời kêu gọi, vận động xã hội hóa để đưa phong trào phát triển mạnh mẽ trên địa bàn toàn tỉnh và hỗ trợ giúp đỡ những hộ gia đình còn khó khăn về kinh tế có được những thiết bị phòng cháy, chữa cháy cần thiết.
Với sự nỗ lực, quyết liệt của lực lượng Công an và các ban, ngành, đoàn thể, đến nay phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” đã lan tỏa rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Toàn tỉnh có trên 200.000 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; 100% hộ gia đình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang đã trang bị bình chữa cháy; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã hỗ trợ, trao tặng hàng nghìn bình chữa cháy cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh…
Những kết quả trên cho thấy sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và ý thức của người dân và cộng đồng xã hội trong công tác phòng cháy, chữa cháy, góp phần kịp thời phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý các vụ cháy, nổ có thể xảy ra với phương châm “4 tại chỗ” ngay tại cơ sở.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, thời gian qua, nhiều địa phương làm tốt công tác nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC (như An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nam, TP.HCM, Khánh Hòa, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Yên, Thái Nguyên, Tây Ninh, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc), điển hình là: TP.HCM, Thái Nguyên xây dựng mỗi đơn vị cấp xã có ít nhất 1 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC.
Đến nay, trên toàn quốc đã thành lập 79.672 đội dân phòng trên tổng số 103.568 (thôn) đơn vị thuộc diện phải thành lập đội dân phòng với 808.118 thành viên. Hằng năm, lực lượng này đã phát hiện và dập tắt kịp thời trên 50% tổng số vụ cháy xảy ra, góp phần ngăn chặn cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Tổ chức phong trào Toàn dân PCCC là một yêu cầu khách quan, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân bởi công tác tự phòng, tự bảo vệ là yếu tố thuộc về bản năng của con người. Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng yếu tố tự phát, manh mún, không phát huy được sức mạnh tổng hợp.
Nhiều phong trào mới hình thành thì hoạt động rất hiệu quả nhưng lại không tồn tại lâu dài do thiếu kinh phí, không có quy chế hoạt động cụ thể. Vì vậy, việc tổ chức và duy trì hoạt động đối với lực lượng dân phòng còn nhiều khó khăn, chưa đúng theo quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy, do đó việc phòng ngừa và tổ chức cứu chữa các đám cháy không hiệu quả và kịp thời nên để dẫn đến cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Ở một số cơ sở việc tổ chức công tác PCCC tại chỗ còn mang tính hình thức, đối phó với cơ quan quản lý PCCC. Đặc biệt là lực lượng dân phòng hoạt động hiệu quả không cao; chế độ, chính sách đối với Đội trưởng, Đội phó và các thành viên đội dân phòng chưa bảo đảm.