Trong bài phát biểu của mình tại Phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc”.

Không đứng ngoài xu thế phát triển tất yếu đó, với sự nhạy bén, chủ động, tỉnh Thái Nguyên đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số để kiến tạo nền tảng phát triển.

Sau gần 3 năm kể từ khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01 ngày 31/12/2020 về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thành tựu đạt được là rất đáng ghi nhận, trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Thái Nguyên và mục tiêu trở thành trung tâm chuyển đổi số
Chuyển đổi số như “cánh tay nối dài” tăng cường thêm kênh tương tác giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp.

Mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị của các cấp, ngành từ tỉnh đến địa phương và điều này đang được Thái Nguyên duy trì xuyên suốt từ khi Nghị quyết được ban hành đến nay.

Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được tăng cường, tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và toàn xã hội; hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư hiện đại thông qua hàng loạt ký kết liên kết hợp tác đầu tư với các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông lớn.

Xếp hạng mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thái Nguyên là một trong 10 địa phương trong cả nước dẫn đầu về hạ tầng số.

Trên địa bàn hiện có 1.800 điểm thu phát sóng điện thoại di động. Tổng số thuê bao điện thoại di động là 1,7 triệu thuê bao. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động đều tăng.

Mạng truyền số liệu dùng chung của các cơ quan Đảng, Nhà nước được kết nối 4 cấp hành chính, thông suốt đến 100% các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Hạ tầng số được đầu tư đã góp phần để người dân ở những địa bàn vùng khó dần hình thành thói quen sử dụng hạ tầng và các ứng dụng số trong đời sống hàng ngày.

Ông Đặng Văn Tạo, Cúc Đường, Võ Nhai, Thái Nguyên vui mừng cho biết: "Công nghệ thông tin đã tạo điều kiện rất nhiều cho người dân trong mọi lĩnh vực, thuận lợi nhất đối với tôi là vấn đề khám chữa bệnh, nhất là với người dân ở vùng sâu, vùng xa".

Về nhân lực số, các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng số cho cán bộ công chức, viên chức được quan tâm. Đặc biệt, trong năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố ban hành kế hoạch, triển khai thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại các xóm, bản, tổ dân phố.

Đến nay đã thành lâp được trên 2.255 tổ công nghệ số cộng đồng, qua đó góp phần đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi nhận thức, thói quen sử công nghệ của cộng đồng.

Chị Trần Phương Bảo Linh, Tổ công nghệ cộng đồng phường Phú Xá, TP Thái Nguyên: "Tôi luôn nỗ lực hết sức giúp đỡ nhân dân, để truyền tải một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất, để người dân có thể sử dụng thuận tiện nhất tất cả các app hiện nay như C-Thái Nguyên, VNeID, hoặc dịch vụ công trực tuyến".

Thái Nguyên và mục tiêu trở thành trung tâm chuyển đổi số
Tại Thái Nguyên, 100% thủ tục hành chính công mức độ 4 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Cùng với đó, công tác an toàn, an ninh mạng được tăng cường. Có thể nói, khai thác sức mạnh kết nối từ quá trình chuyển đổi số, Thái Nguyên đã có những cách làm sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ sẵn có, góp phần mang lại nhiều thay đổi từ hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội, đến phương thức sống, thói quen làm việc của người dân.

Sau hơn 2 năm triển khai, 3 trụ cột của chuyển đổi số đều đạt được những kết quả ấn tượng. Tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành một trong những mục tiêu mà Nghị quyết số 01 về Chương trình chuyển đổi số đề ra - đó là đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Với nhiều cách làm mới, sáng tạo, Thái Nguyên đã tạo ra bước đột phá, ghi dấu ấn mạnh mẽ khi cùng một lúc thực hiện lồng ghép nhiệm vụ mới là chuyển đổi số và cải thiện môi trường đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững.

 Theo Trần Trang (TH Thái Nguyên)