Tại tỉnh Gia Lai, kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được tiếp cận theo hướng bền vững, đa chiều, bao trùm. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo niềm tin và động lực cho các hộ nghèo.
Đặc biệt, đa số hộ nghèo nhận thức được trách nhiệm thoát nghèo là trách nhiệm chính của gia đình; Nhà nước và xã hội chỉ hỗ trợ một phần các điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững. Người dân dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hiểu kiến thức là nền tảng để có việc làm bền vững, thông qua các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao.
Có đào tạo, thêm tự tin
Tại xã Ia Kla, huyện Đức Cơ (Gia Lai), nhờ các giải pháp đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, đến cuối năm 2024, xã còn 165 hộ nghèo (chiếm 8,23%). Ngoài hỗ trợ sinh kế, xây sửa nhà ở, xã chú trọng tuyên truyền, vận động người lao động trong các hộ nghèo, cận nghèo tham gia các lớp đào tạo nghề phù hợp với địa phương như xây dựng, trồng cà phê, nghề điện.
Anh Ksor Tuyên ở làng Sung Kép, xã Ia Kla, là một trong số đó. Sau khi theo học lớp nghề xây dựng do xã phối hợp tổ chức, anh tự tin làm thợ xây cùng với bà con trong làng. Hiện thu nhập mỗi tháng của gia đình trên 10 triệu đồng, giúp các con anh được đến trường đúng độ tuổi, lại được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ. Có việc làm, thu nhập ổn định, anh càng có động lực chăm chỉ làm ăn để phấn đấu thoát nghèo trong năm 2025.
Còn tại xã Ia Din, chính quyền phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đức Cơ mở các lớp học nghề cạo mủ cao su. Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng NN & PTNT huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cải tạo vườn điều, tái canh cà phê.
Cuối tháng 9 vừa qua, chị Rơ Mah H’De (làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) cùng 29 chị em trong huyện tham gia lớp dạy nghề may 2 tháng do xã phối hợp tổ chức. Được các giảng viên Trường Cao đẳng Gia Lai chỉ dạy "cầm tay chỉ việc", chị đã thành thạo nghề. Chị mạnh dạn mua máy may để sửa đồ cho gia đình và nhận sửa quần áo cho bà con trong làng. Công việc bước đầu ổn định không chỉ giúp gia đình thêm thu nhập 3-4 triệu đồng từ nghề may mà còn đem lại niềm vui, hứng khởi trong lao động.
Gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo
Tại tỉnh Gia Lai, trong kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững năm 2024, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo là nội dung quan trọng. Tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp với UBND cấp huyện, các đơn vị có liên quan nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo, lao động người dân tộc thiểu số; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường học, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo.
Giai đoạn 2022-2024, huyện Ia Pa đã mở 15 lớp đào tạo nghề với gần 350 học viên là người dân tộc thiểu số tham gia. Qua các lớp đào tạo nghề, học viên đã áp dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất, tạo thêm thu nhập. Điều này cũng góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, tạo tiền đề giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chị Kpăh H’Buyn ở buôn Ia Rniu, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa, là một trong các học viên dân tộc thiểu số nghèo theo học khóa đào tạo nghề chăm sóc rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị nói trước đây, chị trồng rau xanh nhưng theo kinh nghiệm truyền lại, không có kỹ thuật nên cây chậm phát triển, năng suất rất kém.
Tham gia lớp học, chị được giảng viên hướng dẫn trồng rau theo quy trình khép kín từ kỹ thuật làm đất, bón phân, quản lý dịch bệnh đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện vườn rau của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. Điều này giúp chị mạnh dạn có ý tưởng mở rộng sản xuất theo hướng thương mại để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Lớp học nghề sửa chữa máy cày cũng giúp anh Ksor Dêl (làng Blôm, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) không chỉ tự mở cơ sở riêng để phục vụ bà con với mức thu nhập ổn định mà còn là nền tảng để anh nuôi kế hoạch nhận học viên, giúp họ có nghề nghiệp ổn định.
Năm 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Ia Grai đã mở 16 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tin mừng là sau khi được truyền đạt kiến thức, hầu hết học viên đều tự tin áp dụng có hiệu quả trong thực tế, nâng thu nhập cao hơn.
Tại huyện Đức Cơ, để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát nhu cầu đào tạo nghề và việc làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2022 đến nay, Phòng phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở 34 lớp dạy nghề cho hơn 1.000 lao động. Nhiều học viên sau khi được đào tạo nghề đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định.