Câu chuyện về những hướng dẫn viên cao tuổi ở Nhật được chia sẻ với diễn đàn "Xem Tây ngẫm ta".

Ông Ide đi rất nhanh, mấy người trẻ tuổi cũng phải rảo bước mới theo kịp ông. Ông trả lời mọi câu hỏi, dù phải qua phiên dịch, và không ngừng nở nụ cười.

Chúng tôi gặp ông Ide khi chuẩn bị đi thăm thác Shiraito, một di sản thiên nhiên của vùng Shizuoka, Nhật Bản. 

Ông là một trong những hướng dẫn viên tình nguyện, những người sẽ đưa du khách đi thăm các thắng cảnh đáng tự hào ở Nhật Bản - mà không nhận một đồng phí nào. 

Những hướng dẫn viên khác cũng giống ông, họ đều là những người cao tuổi.

{keywords}
Ông Ide, hướng dẫn viên tình nguyện ở tỉnh Shzuoka, Nhật Bản

Ông dẫn chúng tôi đi qua những địa điểm thú vị trên đường đến thác, kể những câu chuyện hay ho như ở con suối này, các chiến binh Nhật ngày xưa dừng chân vuốt tóc "chấn chỉnh nhan sắc" ra sao? Những tia nước trong mát đang trào ra từ các lớp nham thạch tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp của thác Shiraito chính là nước tuyết tan từ cách đây 15 năm trên đỉnh núi Phú Sỹ ngấm dần qua hàng lớp đất đá thế nào?

Hay "tuổi" của nước ở các ao trong đền Hongu cổ kính còn đến 20 năm, hay người dân trong vùng hàng năm tổ chức rước nữ thánh của núi Phú Sỹ xuống trần gian phù hộ vụ mùa...

Kiên nhẫn chờ đợi các du khách trẻ tuổi không ngừng chụp ảnh và selfie, chỉ cho họ những hình ảnh tuyệt đẹp về núi Phú Sỹ trong tập tài liệu dày cộp bất cứ lúc nào có thể, giải thích về từng bức tượng, từng phiến đá, từng tranh vẽ..., ông Ide dường như rất yêu thích công việc mình đang làm.

Trước khi chia tay, ông tiết lộ mình đã 69 tuổi và vừa năm ngoái còn cùng bà nhà đi du lịch ở Peru. Ông khuyên các bạn trẻ hãy đi thật nhiều để nhìn thấy thế giới.

Muốn làm việc đến năm 80 tuổi

Những người lớn tuổi năng động như ông Ide không phải chuyện cá biệt ở Nhật. Ngay khi đặt chân xuống sân bay, xung quanh chúng tôi đã là những nhân viên tóc muối tiêu nhanh nhẹn xếp hành lý, đẩy xe, hướng dẫn, chỉ đường... Trong các quán ăn cũng là những người lớn tuổi phục vụ, ở các ga tàu cũng là những người lớn tuổi điều phối.

Nhưng họ không hề chậm chạp, dù là đi bộ hay đi xe đạp, nếu bạn tính đến tốc độ cuộc sống diễn ra trên các con phố ở Nhật Bản, đặc biệt là ở những ngã tư đông đúc của các thành phố lớn như Tokyo. Họ còn có thể hơi phật lòng nếu người ít tuổi ngỏ ý nhường ghế trên các phương tiện công cộng.

68 tuổi, ông Kuma đã nghỉ hưu sau 36 năm làm việc trong ngành thiết kế. Nhưng ông vẫn tiếp tục làm cố vấn trong một hiệp hội hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của vùng Shizuoka. 

Hiệp hội của ông Kuma bao gồm những người như ông, từng làm việc ở những công ty lớn, nhiều kinh nghiệm, và giờ muốn giúp đỡ các doanh nghiệp mới phát triển và vươn ra nước ngoài.

Tôi hơi ngại khi hỏi vì sao ông vẫn làm việc ở tuổi này, ông không muốn nghỉ ngơi sao. Nhưng ông vui vẻ trả lời: "Tôi thích làm việc. Tôi còn muốn làm việc đến năm 80 tuổi cơ. Nhưng gần đây tôi giảm bớt công việc rồi, chỉ còn khoảng 70% thôi. 30% thời gian tôi dành cho âm nhạc, chơi tennis và cờ vây".

Tôi kể lại chuyện này cho cô Sudo, điều phối viên người Nhật của mình, một phụ nữ ở độ tuổi 50 nhưng dáng vóc, phong cách rất trẻ trung, cô khẳng định: "Tôi cũng vậy mà, nghỉ hưu rồi tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc. Tôi sẽ đi dạy học chẳng hạn".

{keywords}
So sánh tháp dân số của Nhật với một số nước Đông Nam Á, trong đó có VN.

Chính phủ Nhật dự kiến nâng tuổi nghỉ hưu lên 65

Tìm hiểu thì được biết, tuổi nghỉ hưu ở Nhật Bản hiện là 62 với cả nam và nữ. Chính phủ Nhật đang dự tính nâng lên 65 vào năm 2025, trong bối cảnh dân số già đang là đặc điểm nổi bật nhất của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

Theo số liệu mới nhất, số người trên 100 tuổi đã lên tới 65 nghìn, tuổi thọ trung bình của người Nhật lên tới 87,05 đối với nữ và 80,79 đối với nam.

Trước khi đi Nhật, có người nói với tôi người Nhật nhìn thấy biểu đồ dân số trẻ của VN sẽ thích lắm. Quả vậy, một công chức Nhật trong bài trình bày của mình đã so sánh tháp dân số của Nhật với các nước như Indonesia, Thái Lan, Myanmar và VN: "Trong khi của các bạn là các kim tự tháp vững chắc thì của nước tôi như một cây nến đang leo lét cháy".

Nhưng sau khi gặp những người như ông Ide, ông Kuma và cô Sudo, tôi nghĩ cây nến đó có thể cháy mãi.

Mời bạn chia sẻ những câu chuyện cảm động, những bài học ý nghĩa... gặp trên đường đi công tác hay du lịch nước ngoài, và cả những ngẫm ngợi của bạn khi nghĩ về Việt Nam. Chia sẻ gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết, câu chuyện phù hợp sẽ được đăng tải

Chung Hoàng