Mùa hè năm 2018, một cậu bé vóc người nhỏ nhắn bước lên bục phát biểu, điều chỉnh góc micro và đọc một câu Kinh thánh bằng tiếng Hy Lạp trước khi trích dẫn một câu nói của triết gia người Pháp nổi tiếng René Descartes.
Đó là cách nam sinh William Maillis 9 tuổi bắt đầu bài phát biểu tốt nghiệp của mình tại Trường THPT Penn-Trafford ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ).
3 năm sau, ở tuổi 12, William tốt nghiệp trường Cao đẳng St. Petersburg. Thần đồng nước Mỹ đã thách thức các chuẩn mực thông thường của lứa tuổi với những thành tích đáng nể trong học tập.
Thông thạo phép tính, viết sách năm 2 tuổi
Trí tuệ siêu việt của William đã bắt đầu bộc lộ ngay từ những năm tháng đầu đời. Cậu bé sinh năm 2007 đã thể hiện sự tò mò và năng khiếu học tập bẩm sinh. Cha mẹ đã sớm nhận ra khả năng đặc biệt của con trai và luôn hỗ trợ và khuyến khích cậu, thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho sự phát triển và khám phá trí tuệ.
William nói được câu hoàn chỉnh khi được 7 tháng tuổi. Cậu bé biết làm phép tính cộng lúc 21 tháng- tức là chưa đầy 2 tuổi và nhân chia khi 2 tuổi. Ngoài ra, William còn đọc hết sách dành cho trẻ em và viết cuốn sách của riêng mình với tên là “Happy Cat” (Con mèo hạnh phúc), theo tờ Tampa Bay Times.
Năm 4 tuổi, William đã học đại số, ngôn ngữ ký hiệu và cách đọc tiếng Hy Lạp. Ở các trường tiểu học, đại số không được học chính thức cho đến ít nhất là lớp 5 và khi lên 5 tuổi, cậu đã đọc toàn bộ cuốn sách giáo khoa hình học dày 209 trang trong một đêm và thức dậy để giải các bài toán chu vi vào sáng hôm sau.
“Biến mọi thứ thành một trò chơi”, cha William nói về quá trình nuôi dạy con cái, mô tả cách cửa tủ lạnh của họ được dán đầy các chữ cái và số nam châm mà con trai sẽ sắp xếp thành các từ hoặc các bài toán.
Một video trên YouTube do cha cậu đăng tải cho thấy cậu bé William 4 tuổi đang giải các phương trình toán học. Cậu cũng tự tin giải thích về sự thiếu vắng sự sống trên sao Hỏa. Giọng của William nghe giống như bất kỳ đứa trẻ nào, lời nói phát ra với âm điệu kéo dài. Nhưng những gì cậu bé đang nói đã vượt xa những sự ngây ngô trong giọng nói.
Giáo sư tâm lý học Joanne Ruthsatz của Đại học bang Ohio và đã nghiên cứu William, tuyên bố cậu là thiên tài, cho biết tỷ lệ những đứa trẻ như cậu là khoảng 1 trên 10 triệu.
“Những thần đồng luôn có động lực để làm những điều vượt thông thường. Họ rất quan tâm đến ‘bức tranh’ lớn hơn của nhân loại." GS tâm lý học nói. Đại học “dường như là một nơi tốt hơn cho họ. Mọi người dễ chấp nhận hơn".
Muốn chứng minh Thượng đế tồn tại bằng khoa học
"Em bao nhiêu tuổi?" đó là câu hỏi thường trực mà William nhận được trên giảng đường đại học. "Em có thực sự nghiêm túc học đại học?". Tuy nhiên, các giáo sư nhanh chóng nhận ra cậu bé có tính tự lập rất cao và còn dẫn đầu trong lớp.
Cậu bé 12 tuổi còn gây ấn tượng với một giáo sư sử học khi thuyết giảng tường tận về Thế chiến thứ nhất như một sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.
Ở độ tuổi mà hầu hết trẻ em đang chú tâm vào trò chơi điện, William Maillis dành thời gian nghiên cứu khoa học, tìm tòi và xem xét những sai sót trong quan điểm của Stephen Hawking cho rằng Chúa không tồn tại.
Trên thực tế, mong muốn trở thành nhà vật lý thiên văn của William bắt nguồn từ niềm tin mãnh liệt của bản thân bởi cậu không đồng tình với một số lý thuyết của nhà bác học Albert Einstein và Stephen Hawking về lỗ đen, đồng thời có những ý tưởng riêng để chứng minh về sự tồn tại của vũ trụ.
“Lý thuyết của Hawking cho rằng trọng lực sẽ không có nguyên nhân, trọng lực không thể tạo ra thứ gì đó”. William lập luận rằng trọng lực chỉ là một lực và không thể tự mình tạo ra bất cứ thứ gì. Trọng lực cần một cái gì đó tác động lên để gây ra bất kỳ hiệu ứng nào. Vì vậy, nếu không có gì để lực hấp dẫn tác động lên thì sẽ không có gì xảy ra. Nói cách khác, không có gì thêm vào không có nghĩa là không có gì.
William Maillis đặt mục tiêu lấy được bằng tiến sĩ ở tuổi 18, mong muốn sử dụng chuyên môn khoa học để chứng minh sự tồn tại của Chúa. Cậu cho rằng khoa học và tôn giáo không triệt tiêu lẫn nhau, tin rằng một thế lực cao hơn đã tạo ra vũ trụ.
Cha mẹ của William chia sẻ họ chưa bao giờ thúc ép con trai học tập. “Chúng tôi là những người bình thường”, cha cậu giải thích. “Con là một đứa trẻ bình thường. Con cũng như những đứa trẻ 10 tuổi khác. William cũng thích thể thao, các chương trình truyền hình, máy tính và trò chơi điện tử như mọi người”.
Khi nói đến danh xưng thiên tài của mình, William Maillis cho biết cảm thấy không khác gì các bạn cùng lứa. Cậu nói: “Em có năng khiếu về những gì em có năng khiếu và những người khác có năng khiếu về những thứ khác”.
Tử Huy