Hãy gọi tôi là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa
Tôi đến thăm ông tại một căn nhà nhỏ, nằm trong hẻm nhỏ, phố nhỏ của thành Vinh. Nhà thơ Yến Thanh, tên thật là Nguyễn Thanh Bính, sinh năm 1945, quê ở xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Gia đình ông có 4 người con gái, vợ ông đã mất năm 2020. Ông ở một mình, xem bạn bè xưa cũ, bạn thơ của thời bom đạn làm nguồn vui cho tuổi già.
Ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong giai đoạn 1965-1971 theo diện biệt phái từ một kỹ sư cầu đường, phụ trách kỹ thuật cho 2 Tổng đội TNXP là N53 và N55. Từ ngày 1/4/1968, UBND tỉnh Hà Tĩnh lệnh điều động toàn bộ Tổng đội TNXP N55 về đảm bảo giao thông khu vực Đồng Lộc dài 16km từ Cống 19 của xã Phú Lộc cho đến Khe Giao của xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc.
Ông bị thương tại Khe Út năm 1968 và bây giờ đang hưởng chính sách của thương binh hạng 4/4.
Ông đã nổi danh từ bài thơ nổi tiếng là “Cúc ơi”. Trò chuyện rất thẳng thắn, cởi mở với tôi về những năm tháng ác liệt ở Ngã ba Đồng Lộc, về sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong tiểu đội A4, đại đội Thanh niên xung phong 552 và bài thơ “Cúc ơi”, ông nói: “Tôi có 2 điều còn trăn trở. Thứ nhất, đừng gọi tôi là một nhà thơ. Thứ hai, nói về Đồng Lộc, tôi không muốn gọi đó cụm từ “Chiến thắng Đồng Lộc” mà có thể gọi bằng một cái tên khác thực tế và nhân văn hơn”.
Là một cán bộ trong lực lượng thanh niên xung phong khu vực Đồng Lộc trải dài trên tuyến Quốc lộ 15 trong những tháng ngày ác liệt bởi nắng nóng và bụi mù trời, mưa dầm thì đường lầy lội với “vệt bánh xe”, âm thanh ầm ĩ tiếng động cơ máy bay và vang rền bom rơi, đạn nổ, ông thấu hiểu nhiệm vụ, trọng trách lớn lao của thanh niên xung phong.
Thời gian hoạt động của thanh niên xung phong khu vực Đồng Lộc là bắt đầu từ 6h chiều đến 5h sáng hôm sau. Ngày ấy, Ngã ba Đồng Lộc còn hoang vắng, có rất ít nhà dân nên ít ai dám một mình đi nơi cửa tử, bom như khoai, đạn như trấu này. Song khi màn đêm buông xuống, dưới ánh đèn dù và pháo sáng, hàng ngàn người vừa đi vừa hát “em đi san rừng, em đi bạt núi. Em như con suối nước chảy không ngừng…” thì chẳng còn ai sợ chết cả…
Nhà thơ Yến Thanh trong cái thời oanh liệt trên tuyến đường 15 anh hùng ấy đã làm những việc không phải là sở trường, là chuyên môn của mình nhưng lại vô cùng hiệu quả. Ông sáng tác thơ, tập hát hò vè và các ca khúc nổi tiếng đương thời cho các đội văn nghệ xung kích của thanh niên xung phong.
Biết bao đêm pháo sáng xé toang bầu trời, máy bay địch gầm rít long óc, bom nổ chậm, bom hẹn giờ, bom bi, bom từ trường ken dày đường sá nhưng vẫn không thể át nổi tiếng hò, tiếng hát của tiểu đội A4 với cánh lái xe, bộ đội. Tiếng hò đối đáp, tiếng cười giòn vang của hàng nghìn trai gái thanh niên xung phong rộn vang núi đồi Đồng Lộc.
Tôi đã hiểu tại sao Yến Thanh không muốn mọi người gọi ông là nhà thơ, mà muốn gọi ông là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
Mười đóa hoa bất tử
Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được biết đến như một “túi bom”, “chảo lửa” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là điểm chốt quan trọng trong huyết mạch giao thông của con đường vận tải chiến lược 15A nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam.
Trong những tháng ngày Mỹ “ném bom hạn chế”, Ngã ba Đồng Lộc không lúc nào im tiếng đạn bom. Đất đá bị “cày đi, xới lại”, hố bom dày đặc, chồng chất hố bom. Thật khó tin chính trên mảnh đất nhỏ hẹp này, trung bình mỗi mét vuông đất phải gánh chịu tới 3 quả bom tấn.
Trong gian khó, hiểm nguy, với tinh thần “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, hàng ngàn thanh niên xung phong cùng các lực lượng khác như bộ đội pháo binh, công binh, dân quân tự vệ, công an ngày đêm bám cầu, bám đường để phá bom, mở đường cho xe qua. Khẩu hiệu thiêng liêng “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt” đã trở thành mệnh lệnh của trái tim, của ý chí không gì lay chuyển nổi của thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc.
Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh chính là những tấm gương sáng chói cho tinh thần phục vụ chiến đấu, chiến đấu và hy sinh anh dũng tại Ngã ba Đồng Lộc 56 năm về trước.
Chiều ngày 24/7/1968, đường qua Đồng Lộc bị tắc bởi 40 chiếc xe bồn chở xăng dầu vào chiến trường đang nằm chờ ở bãi giấu xe. Nhận được lệnh của đồng chí Trần Quang Đạt, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch tỉnh, Trưởng ban giải tỏa Đồng Lộc yêu cầu các đơn vị làm thêm ban ngày để kịp thông xe.
Tiểu đội trưởng Tần được đơn vị điều động đi làm ngày, vừa san lấp hố bom, vừa đào hầm chữ T. Đúng 14h, cả tiểu đội có mặt tại Đường 15A cạnh chân núi Trọ Voi. Tần và 9 chị em vừa đào xong 2 hầm chữ T giao nhau, cách mép đường phía Tây khoảng 15m. Cúc nhận đào chiếc hầm tròn cá nhân để dành riêng cho Tần chỉ huy.
Hai đợt máy bay Mỹ quần đảo liên tục, dội bom xuống hiện trường rồi bỏ đi. Cả tiểu đội an toàn, Tần cho san lấp hố bom xong và giải lao. Đợt thứ 3 có một tốp 3 chiếc máy bay F105, F4H lao đến. Tần cho chị em ẩn nấp. Lần này, chúng không dội bom mà quần đảo mấy vòng rồi quay đầu ra phía Biển Đông. Bỗng nhiên 1 trong 3 chiếc lù lù quay lại. Tần hô chị em xuống hầm khẩn cấp và Tần vào sau cùng.
Mọi người lao vào 2 chiếc hào dài vừa đào xong chưa có nắp đậy. Một quả bom tấn từ máy bay rơi xuống trùm lên cả tiểu đội lúc 16h ngày 24/7/1968.
Từ đài quan sát, C trưởng Nguyễn Thế Linh chạy xuống cùng Tiểu đội 5, Tiểu đội A8 và các anh lái máy ủi gần đó. Khi khói quả bom tản dần, chẳng thấy người nào xuất hiện mà chỉ thấy vài cái cuốc xẻng, mũ nón, giày dép nằm xung quanh miệng hố bom. Sau 2 tiếng đồng hồ vừa đào, vừa khóc, khi hoàng hôn đã buông trên eo núi Trọ Voi thì mọi người mới phát hiện một mái tóc đen hiện ra. Bới nhẹ đất, bồng lên được chị Võ Thị Tần, thân thể đang mềm, hơi còn ấm, mặt tím tái, nhưng tim đã ngừng đập.
Mọi người tiếp tục đau đớn bới đất lên, phát hiện 6 người bị vùi sâu dưới đất trong hầm, ngoài cùng là Nguyễn Thị Xuân rồi đến Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Rạng và cuối cùng là Trần Thị Hường. Đào tiếp hầm thứ 2 vuông góc với hầm lúc nãy thì tìm thấy Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi và Hà Thị Xanh.
Cả 9 cô gái đã hy sinh khi cơ thể còn nguyên vẹn, vẫn còn hơi ấm, được đặt lên 9 chiếc cáng, xếp một hàng ngang như khi còn sống mà tiểu đội thường tập hợp. Riêng Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc vẫn chưa tìm thấy. Mọi người phán đoán rằng Cúc còn chạy thoát lên núi đâu đó nhưng vẫn tiếp tục đào tìm.
Đêm 24/7/1968, đơn vị đã quyết định khâm liệm và mai táng 9 cô sau eo núi Bãi Dịa. Khu mộ chia làm 2 hàng, hàng trước là mộ Võ Thị Tần bên trái, còn bên phải là huyệt để trống dành cho Hồ Thị Cúc. Đơn vị đã mai táng 9 cô nhưng chưa làm lễ truy điệu, chờ tìm được Cúc.
Ngày 25/7/1968, Ty giao thông vận tải điều máy ủi DT 54 đến để đào tìm Hồ Thị Cúc nhưng sau đó đơn vị quyết định nhanh chóng là phải đào bằng tay. Mãi đến 10h ngày 26/7, đơn vị mới tìm thấy được Cúc trong chiếc hầm tròn mà chiều hôm trước do tay Cúc đào, đầu đội nón bẹp dí, trên vai còn vác cái cuốc.
Đêm 26/7/1968, đơn vị đã lặng lẽ làm lễ hạ huyệt cho Hồ Thị Cúc tại sân kho hợp tác xã. Vậy là, 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã 3 Đồng Lộc đã vĩnh biệt các đồng đội thân yêu khi tuổi đời mới 18 đôi mươi trong ngày 24/7 định mệnh.
Kỷ lục cho một bài thơ
Trò chuyện với tôi về bối cảnh ra đời bài thơ “Cúc ơi”, nhà thơ Yến Thanh với đôi mắt đẫm lệ, chậm rãi khi hồi tưởng về thời khắc lịch sử bi tráng của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc tròn 56 năm trước.
Nếu như nói chiều ngày 24/7 là ngày định mệnh của 10 cô gái Đồng Lộc thì chiều ngày 25/7 cũng là một chiều đặc biệt, hối thúc nhà thơ Yến Thanh viết ngay bài thơ “Cúc ơi”.
Chiều 25/7, bước sang ngày thứ 2 mà các đồng đội đang nỗ lực tìm kiếm Hồ Thị Cúc trong khu vực hố bom ấy, Yến Thanh vào nhà C trưởng Nguyễn Thế Linh, ông nhìn thấy cái hòm cấp táng còn lại đã được chuyển ra đầu hồi vườn tro nhà ông Biểu (bố C trưởng Linh). Ngồi trầm tư, bồi hồi thương xót cho số phận hẩm hiu của cô Hồ Thị Cúc. Ông đã nấc lên, khuôn mặt đẫm nước mắt, ông ra ngồi bên cái hòm của Cúc viết bài thơ tạm lấy tên là “Hồn trinh nữ ở đâu”.
Sau 2 tiếng đau đáu, chắt chiu từng câu chữ, ông đã viết xong. Tần ngần, chần chừ với cái tên có vẻ xa lạ, nên ông đã sửa thành tên bài “Cúc ơi”. Ông lặng lẽ giấu bài thơ vào túi áo, không dám nói với ai.
Sáng hôm sau 26/7, ông cùng với đồng chí bí thư đơn vị ra hố bom nơi đồng đội đang tìm Cúc. Cả hai đứng nghiêm trang thắp hương trên chiếc bàn nhỏ có bát cơm úp và lọ hương là đoạn thân cây chuối. Ông Yến Thanh cầm tờ giấy đọc rất nhỏ cả bài thơ “Cúc ơi” rồi đốt đi và cả hai về đơn vị lúc 8h tối.
Đến gần 10h tối, biết tin đơn vị đã tìm thấy Cúc…
Sau đó một thời gian, ông Yến Thanh viết lại bài thơ “Cúc ơi” và gửi cho tiết mục “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Vào một đêm tháng 8/1968, trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên bài thơ “Cúc ơi” qua giọng đọc của nghệ sỹ Văn Thành. 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc được nhắc tới trong bài thơ “Cúc ơi” như 10 vầng trăng trinh nữ lồng lộng giữa đất trời Đồng Lộc linh thiêng.
Bài thơ nổi tiếng “Cúc ơi” của nhà thơ Yến Thanh, đã tạo nguồn cảm hứng cho âm nhạc thăng hoa, và đến hôm nay đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, chuyển thể sang chèo, cải lương và ngâm thơ.
40 năm sau ngày bài thơ “Cúc ơi” ra đời (1968-2008), UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TPHCM và Hội Nhạc sĩ Thành phố tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Có 7 tác giả đã tham gia và phổ nhạc từ bài thơ “Cúc ơi”.
Đó là bài “Cúc ơi” của Bùi Hăng Ry, bài “Em ở nơi mô” của Võ Công Diên, “Cúc ơi” của Vũ Phúc Ân, “Cúc ơi” của Nguyễn Trung Nguyên, “Những trái tim trinh liệt” của Phạm Văn Thắng, “Cúc ơi” của Hồ Tịnh An, “Mãi gọi tên em nơi Ngã ba Đồng Lộc” của Quang Vượng.
Trong 7 tác phẩm đó, có 2 tác phẩm đang được sử dụng phổ biến trong nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật là bài “Cúc ơi” của Bùi Hăng Ry và bài “Em ở nơi mô” của Võ Công Diên…
Chia tay ông khi trời đã khuya, người thương binh 80 tuổi ấy còn khoe với tôi tờ giấy mời ghi tên Nhà thơ Yến Thanh của Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, dự Lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ sáng 24/7/2024.