Cú thâu tóm kinh điển diễn ra cách đây 4 năm đã khiến cái tên Hồ Xuân Năng từ không mấy ai biết tới trở nên nổi bật và hướng tới danh hiệu tỷ phú USD Việt. Tuy nhiên, năm 2018 cũng chứng kiến sự tụt dốc thê thảm của doanh nhân này.
CTCP Vicostone (VCS) của ông Hồ Xuân Năng (thường được gọi với cái tên “Năng Do Thái”) vừa công bố biên bản họp HĐQT thông qua các giao dịch năm 2019 về việc mua bán hàng hóa/dịch vụ giữa VCS và các công ty liên quan. Đây đều là các doanh nghiệp liên quan tới ông Hồ Xuân Năng, do ông Năng làm chủ tịch HĐQT hoặc là thành viên có lợi ích liên quan.
Gần đây, Vicostone của ông Hồ Xuân Năng liên tục có những biện pháp nhằm vực dậy công ty trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường cũng như sự tụt giảm giá cổ phiếu kéo trong một khoảng thời gian dài.
Trong tháng 11/2018, Vicostone đã mua lại 3,2 triệu cổ phiếu quỹ VCS nhằm chặn đà lao dốc cổ phiếu. Doanh nghiệp cũng đã công bố lợi nhuận tăng trưởng hơn 16% trong năm 2018 lên hơn 1,3 ngàn tỷ và trả cổ tức 10% (1.000 đồng/cp). Tuy nhiên, cổ phiếu VCS vẫn không ngừng lao dốc và hiện đang ở đáy trong khoảng 1 năm rưỡi qua.
Vicostone đẩy mạnh hợp tác với nhóm công ty có liên quan tới ông Hồ Xuân Năng trong bối cảnh cạnh tranh bất ngờ tăng cao từ các doanh nghiệp Trung Quốc. |
Cổ phiếu VCS ghi nhận đỉnh cao gần 140.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi tháng 4/2018 nhưng hiện chỉ còn 62.000 đồng/cp, tương đương mức giảm 56%. Ở thời kỳ đỉnh cao, Vicostone của ông Hồ Xuân Năng ghi nhận vốn hóa lên tới hơn 22 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD và trở thành người giàu có top 5 trên thị trường chứng khoán.
Tỷ phú Hồ Xuân Năng trực tiếp và gián tiếp sở hữu khoảng 120 triệu cổ phiếu VCS. Do vậy, ở vào thời điểm đỉnh cao, đại gia này có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu VCS trị giá khoảng 17 ngàn tỷ đồng (khoảng 750 triệu USD).
Tuy nhiên, khối tài sản của ông Năng giờ chỉ còn hơn 7 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 320 triệu USD. Gần đây, VCS gặp rất nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt về giá của các sản phẩm đá Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, vụ khởi kiện chống bán phá giá đối với các sản phẩm đá gốc thạch anh của Trung Quốc tại thị trường Mỹ dẫn đến việc Trung Quốc xuất ồ ạt vào thị trường Mỹ ngay từ tháng 4/2018 để tránh bị áp thuế.
Lợi nhuận của VCS chững lại còn do sự cạnh tranh đến từ các đối thủ sử dụng công nghệ Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Chưa kể, Vicostone còn hết hạn hợp đồng độc quyền với Breton.
Ông Năng là cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ NN-PTNT, sau đó làm thư ký chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex trước khi trở thành giám đốc một công ty con nhỏ bé của TCT này.
Từ những vị trí rất thấp, ông Năng đã trở thành ông chủ Vicostone, một công ty con của Vinaconex. Vicostone phát triển thần tốc, có lúc vốn hóa lên cả tỷ USD và trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới về đá ốp nhân tạo cao cấp. Đến năm 2007, ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Ông Hồ Xuân Năng |
Bước ngoặt đưa ông Hồ Xuân Năng lên đỉnh cao chính ở vào thời điểm mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông trong nước và nhóm cổ đông nước ngoài (nắm giữ khoảng 45% cổ phần) cách đây 4-5 năm gây kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Cuộc chiến cổ đông tại Vicostone chấm dứt với việc 3 cổ đông ngoại đến từ châu Âu sở hữu hơn 46% cổ phần thoái vốn trong tháng 6 và tháng 7/2014, tạo cơ hội cho Phenikaa mua lại và nắm quyền kiểm soát Vicostone.
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vicostone, chính là người sau đó đã thâu tóm tới 99% cổ phần công ty đi thâu tóm và trở thành ông chủ của Phenikaa.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản tiếp tục đứng ở mức thấp. Tuy nhiên, VN-Index bứt phá lên sát ngưỡng 910 điểm nhờ sự tăng điểm ở hầu hết các nhóm cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu thủy sản và dệt may tăng mạnh sau khi hiệp định thương mại CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam.
Nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng, bất động sản, bán lẻ… tăng điểm, giúp thị trường trở nên vững chắc hơn. Khối ngoại mua ròng gần 80 tỷ đồng trên toàn thị trường và đây cũng là phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục tăng điểm cho đến khi chạm vùng kháng cự 915-920. Tỷ trọng danh mục tổng duy trì ở mức tối đa 20-30% cổ phiếu trong giai đoạn này. Hoạt động trading bán trading có thể được cân nhắc khi thị trường tăng điểm trong các phiên kế tới.
Rồng Việt cho rằng, VN-Index đi lên với tình trạng thanh khoản thấp không phải là yếu tố đáng lo ngại. Thị trường có thể duy trì xu hướng trong ngắn hạn nên khuyến nghị lựa chọn nhóm large cap với mục tiêu an toàn cho danh mục. Midcap cũng có nhiều lựa chọn nhưng nhà đầu tư nên chú trọng yếu tố cơ bản đối với nhóm cổ phiếu này
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/1, VN-Index tăng 7,88 điểm lên 909,68 điểm; HNX-Index tăng 1,01 điểm lên 102,58 điểm. Upcom-Index giảm 0,03 điểm xuống 53,11 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 160 triệu đơn vị, trị giá 3,2 ngàn tỷ đồng.
H. Tú