Tại Hội thảo “Bảo vệ môi trường trong chế biến thủy sản” tổ chức tại Thành phố Hải Phòng ngày 27/9/2023, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 29/7/2022 về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh với 6 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến thủy sản tham gia trưng bày giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông sản của Thanh Hóa tại các hoạt động xúc tiến thương mại trong toàn quốc. Bên cạnh đó là triển khai thực hiện chính sách về hỗ trợ đầu tư mới, đổi mới công nghệ cao trong bảo quản, chế biến nông, lâm thủy sản giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND của UBND tỉnh và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2030
Tỉnh cũng tiến hành khảo sát, đánh giá lựa chọn các cơ sở có đủ tiềm năng, năng lực và tự nguyện tham gia chuỗi cung ứng thủy sản an toàn. Các cơ sở tham gia chuỗi được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; sản phẩm của chuỗi là các sản phẩm được chế biến, có giá trị gia tăng cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, được bao gói, dán nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc điện tử.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh có 22 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh thủy sản với tổng công suất khoảng 170 nghìn tấn nguyên liệu/năm. Số lao động tại các doanh nghiệp là 1.705 người; 462 hộ gia đình tham gia chế biến thủy sản với 1.138 lao động. Có 6 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch gồm Công ty CP XNK thủy sản Thanh Hóa, Công ty CP TM vận tải và chế biến hải sản Long Hải, Công ty CP bột cá Thanh Hoa, Công ty CP Sông Việt Thanh Hóa, Công ty CP công nghiệp thủy sản Nam Thanh, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia. Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp đã lập hồ sơ, thủ tục về môi trường; đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động theo nội dung đã cam kết trong hồ sơ, thủ tục về môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện đúng, đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, chưa đầu tư xây dựng đồng bộ hoặc có xây dựng nhưng không đúng tiêu chuẩn, công suất xử lý, không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom và xử lý triệt để chất thải trước khi môi trường.
Thực tế hiện nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ môi trường ở một số khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn diễn ra. Nhiều cơ sở chế biến thủy, hải sản nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết triệt để, trong đó có các cơ sở chế biến thủy, hải sản.
Nguyên nhân của tình trạng này do ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ sở, doanh nghiệp còn kém, vì chạy theo lợi nhuận mà chưa chú ý đến công tác xử lý chất thải; các cơ sở sản xuất công nghiệp hầu hết có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu thiếu nguồn vốn để đầu tư, cải tạo trang thiết bị hoặc thay đổi công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, đầu tư cho bảo vệ môi trường vẫn còn ở mức thấp; công tác quản lý địa bàn của cấp xã, cấp huyện chưa sâu sát.
Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 29/7/2022 về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung trên địa bàn.