Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, nhiều vùng sinh thái khác nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển, nhưng cũng là nhân tố gây khó khăn cho việc đầu tư nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực miền núi trải dài khắp 11 huyện, 175 xã, thị trấn, 1.519 thôn, bản, khu phố, trong đó còn 6 huyện nghèo, 43 xã thuộc vùng khó khăn, 308 thôn đặc biệt khó khăn.
Tỷ lệ hộ thoát nghèo cao hơn mục tiêu đề ra
Tuy vậy, thời gian qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những "điểm sáng" của cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Vào tháng 10, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh: CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023 đã tập trung vào giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Nhờ đó, các gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, cải thiện đời sống và tạo ra các cơ hội để phát triển. Người dân nghèo đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: hỗ trợ vốn kinh doanh, đào tạo nghề, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con em, đặc biệt là giải quyết vấn đề nhà ở.
Bên cạnh đó, chương trình đã tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu và vùng khó khăn.
Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm, năm 2023 ước còn 3,49%, bình quân giai đoạn 2022-2023 (theo chuẩn mới giai đoạn 2022-2025) giảm 1,65%/năm, cao hơn so với mục tiêu kế hoạch (giảm bình quân 1,5%/năm).
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa là 1.640 tỷ 539 triệu đồng. Trong đó, Trung ương đã giao 945 tỷ 033 triệu đồng; còn lại 695 tỷ 506 triệu đồng (thực hiện năm 2024 và 2025) chưa được giao.
Căn cứ vào nguồn vốn của Trung ương, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định phân bổ 100% kế hoạch vốn cho các đơn vị, địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao vốn chi tiết cho các huyện, các dự án là 915 tỷ 142 triệu đồng, đạt 96,84%.
Tổng kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2023 là 685 tỷ 135 triệu đồng. HĐND, UBND tỉnh đã giao 100% kinh phí sự nghiệp Trung ương phân bổ cho các đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện.
Giải pháp tiếp theo để duy trì mục tiêu giảm nghèo bền vững
Để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo nhanh, đa chiều và bền vững, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa xác định những giải pháp then chốt vẫn là tập trung nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chương trình; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm và từng giai đoạn, làm cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp.
Tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, gắn phát triển sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, xem đây là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững.