Trong chương trình giao lưu, các đại biểu đã được gặp gỡ, nghe trao đổi, chia sẻ của khách mời là phụ nữ di cư, phụ nữ bị buôn bán trở về; phụ nữ đi di cư và học được nghề về phát triển tại địa phương hiệu quả.

Bên cạnh đó, các khách mời cũng chia sẻ những kinh nghiệm của các điển hình người thật, việc thật trong quá trình khởi nghiệp, phát triển kinh tế của chính mình và truyền cảm hứng cho rất nhiều chị em phụ nữ có mặt trong chương trình.

Được biết, Ban Tổ chức đã giới thiệu 22 mô hình kinh tế của phụ nữ di cư an toàn, phụ nữ dân tộc thiểu số các huyện miền núi trong tỉnh có sản phẩm tham gia khởi nghiệp nhằm chia sẻ, kết nối thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm để tiếp tục phát triển bền vững.

149d0094042t3256l7 z4742419409537 a8340.jpg
Nhiều phụ nữ Thanh Hóa tham gia mô hình Phụ nữ phát triển sinh kế.

Tại các gian hàng của Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện và Hiệp hội Doanh nhân nữ, nhiều sản phẩm nông sản an toàn như như rau quả, các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, đồ thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm… đã được trưng bày, giới thiệu, thu hút đông đảo khách hàng tham quan, mua sắm.

Qua hoạt động này, chị em phụ nữ có điều kiện, cơ hội để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm do mình sản xuất, trong đó có những sản phẩm đã được chứng nhận OCOP và một số đặc sản của tỉnh đến với người tiêu dùng. Đồng thời khuyến khích hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ tôn giáo mạnh dạn tham gia phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững; kết nối hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế tiêu biểu, góp phần hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ yếu thế nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, hoạt động giao lưu lần này được Trung tâm Phụ nữ và phát triển kết hợp tổ chức với Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp 2023 càng góp phần tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu và một số đặc sản của tỉnh Thanh Hóa đến với người dân trong, ngoài tỉnh.

Văn Lợi và nhóm PV, BTV