Năm 2023, sau 3 năm được công nhận nông thôn mới nâng cao, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, để đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu phải có ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất về sản xuất, giáo dục, văn hóa... mang giá trị đặc trưng của địa phương, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. 

Xác định đây là trọng trách lớn nhưng đầy vinh dự, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hà Sơn đã quyết tâm thực hiện thành công các tiêu chí kiểu mẫu, trong đó lựa chọn chuyển đổi số là tiêu chí nổi bật.

Ông Nguyễn Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Sơn cho biết, để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, xã chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng trên phần mềm chuyển đổi số, trọng tâm là các ứng dụng thiết yếu như: thanh toán điện, nước, mua bán hàng hóa không dùng tiền mặt, dịch vụ công trực tuyến, camera an ninh...

nông thôn mới thanh hoá
Hệ thống camera giám sát an ninh trật tự được lắp đặt ở các địa phương của tỉnh Thanh Hoá.

Qua điều tra khảo sát, xã Hà Sơn hiện có 72% người trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu như: khám bệnh, tư vấn sức khỏe từ xa, học trực tuyến, chính sách xã hội, phòng, chống dịch; trên 50% người trong độ tuổi lao động của xã có tài khoản thanh toán điện tử có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu.

Đặc biệt, xã Hà Sơn sử dụng nền tảng số trong công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp ủy và chính quyền xã đến 100% cán bộ thôn, bản. Theo đó, xã đã lập 6 trang Zalo và 1 trang Facebook để chỉ đạo điều hành từ cấp ủy, chính quyền đến các thôn. Từ nền tảng Zalo, Facebook, các thông tin điều hành của cấp ủy, chính quyền đến cán bộ kịp thời, do đó nhiệm vụ được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả…

Ở xã Định Long, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới thông minh cũng được xã triển khai tích cực.

Theo đó, xã đã tranh thủ tham vấn các ngành chức năng để triển khai xây dựng các tiêu chí: chính quyền số, xã hội số, kinh tế số... từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư.

Xã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và giao nhiệm vụ cho từng tổ chức đoàn thể, chính trị triển khai thực hiện; thành lập tổ chuyển đổi số xung kích đến tận các thôn để hướng dẫn người dân cập nhật thông tin. Đồng thời, vận động người dân áp dụng các kỹ thuật, công nghệ thông minh trong sản xuất và đời sống sinh hoạt...

Hệ thống camera an ninh được phủ khắp xã; Nhà văn hóa được lắp đặt mạng wifi phục vụ học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn của người dân.

Bên cạnh Bộ tiêu chí nông thôn mới của tỉnh, xã Định Long cũng triển khai xây dựng và thực hiện một số mô hình phù hợp với đặc điểm của địa phương như: Tạo lập, cấp chữ ký điện tử miễn phí cho người dân; dùng mã QR giới thiệu về lịch sử truyền thống của địa phương, giới thiệu về quá trình xây dựng nông thôn mới của thôn và xã; ứng dụng phần mềm ASM khai báo lưu trú trên cổng thông tin; xây dựng bản đồ, số nhà, thư viện sách nói...

Định kỳ, tổ chuyển đổi số đến nhà dân nắm bắt tình hình, phổ biến, nhắc lại những ứng dụng công nghệ để hộ dân làm thuần thục hơn, đồng thời hướng dẫn một số thao tác sử dụng phần mềm tiện ích...

Đánh giá về hiệu quả của chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh hiện đại ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá cho hay, sau các nấc thang nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu sẽ là nông thôn mới thông minh. Do vậy, Thanh Hóa đã có những bước đi đầu tiên để hưởng ứng và đã đạt được những kết quả ban đầu. Đây là cơ sở quan trọng, là tiền đề tạo sự lan tỏa, nền tảng cho thực hiện chương trình trong giai đoạn tới.

Được biết, để thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông phát triển hạ tầng, mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, thẩm định các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Toàn tỉnh Thanh Hoá đã triển khai xây dựng được 14 thôn thông minh thuộc các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số là: Vân Sơn (huyện Triệu Sơn), Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) và Đông Khê (huyện Đông Sơn).