Những năm trước đây, đời sống một bộ phận đồng bào khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Điện Biên gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí hạn chế, hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ; điều kiện tự nhiên không thuận lợi để phát triển nông nghiệp...

Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh Điện Biên, các ngành chức năng và các địa phương đã tập trung đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, trở thành động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 

Sở Khoa học và Công nghệ triển khai các hoạt động khoa học công nghệ bám sát định hướng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần để tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2025.

giá đỗ sahcj.jpg
Đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Tiêu biểu như mô hình Nuôi gà LV bố mẹ” quy mô 4.000 mái (3.000 mái tại doanh nghiệp và 1.000 mái tại 02 hộ dân). Thời gian thực hiện từ tháng 10/2022 đến tháng 03/2024 (68 tuần tuổi) tại xã Thanh Xương, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên và phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ.

Việc áp dụng quy trình chăn nuôi gà LV bố mẹ sinh sản vào mô hình đã nâng cao thu nhập cho hộ chăn nuôi và tạo việc làm ổn định cho người dân trong vùng, góp phần thúc đẩy chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi ở khu vực nông thôn. Mô hình Chăn nuôi gà LV bố mẹ sinh sản tại tỉnh Điện Biên đạt hiệu quả về kinh tế, xã hội, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Hay mô hình Nuôi gà ML-VCN thương phẩm quy mô 6.000 con/20 hộ dân. Thời gian thực hiện từ tháng 10/2023 đến tháng 01/2024 (14 tuần tuổi) tại xã Thanh Xương huyện Điện Biên và phường Nam Thanh và phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là cơ sở để hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, từ đó tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về kỹ thuật áp dụng và hiệu quả của mô hình để phát triển nhân rộng trong sản xuất.

Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên và Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên thực hiện Dự án Sản xuất thử nghiệm “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi đà điểu thương phẩm theo hướng hàng hóa tại tỉnh Điện Biên”. Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên đã tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật chăn nuôi đà điểu thương phẩm” tại thôn C2 Yên Trường, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. 

Bên cạnh các mô hình do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp thực hiện, nhiều mô hình, cơ sở sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Điển hình như mô hình trồng tảo xoắn tươi Spirulina Platensis của anh Nguyễn Đức Lợi (SN 1972) ở huyện Mường Ảng. Năm 2015, trong chuyến đi Thái Lan, anh được biết tảo tươi nguyên chất tốt hơn rất nhiều tảo bột, tảo viên nang, đặc biệt tảo tươi có thể nuôi được và không có mùi tanh… Thời điểm đó trong nước đã có mô hình nuôi tảo nhưng theo công nghệ nuôi hở và không thu được tảo nguyên chất. Tò mò trước sản phẩm tảo của Thái Lan nên anh Lợi dày công tìm hiểu, nghiên cứu từ những tài liệu, sách, bài viết về tảo.

Anh Nguyễn Đức Lợi nhận ra, ở Việt Nam không bán giống tảo gốc, chỉ bán giống cấp 1, nuôi 1 lần. Để nuôi thành công nhất định phải sở hữu tảo gốc và muốn có tảo giống gốc thì phải học phân lập. Vậy là từ ý tưởng nuôi tảo ban đầu, anh “rẽ ngang” sang nghiên cứu tạo ra giống tảo gốc. Anh đã sắm máy móc, thiết bị kính hiển vi, bút đo PH, ống nghiệm, đèn cồn, pipet, bột gelatin… về tự mày mò nghiên cứu, phân lập tảo gốc từ đám tảo cấp 1.

Hơn 6 tháng miệt mài với hàng chục lần thất bại, cuối cùng anh Lợi thu được 10ml tảo gốc thuần chủng, không bị nhiễm tạp. Nối tiếp nghiên cứu, anh hoàn thiện quy trình nuôi trồng và tìm ra công nghệ nuôi kín, sử dụng bể kính đậy kín đặt trong nhà kính để hạn chế sự xâm nhập của tảo dại chứa các độc tố gây vô vàn tác hại cho người sử dụng… 

W-449276097_998021428439047_7297882227373969131_n.jpg
Anh Lợi đã xây dựng được khu trang trại trồng tảo cung cấp ra thị trường.

Công nghệ nuôi của anh sử dụng 100% nước lọc tinh khiết RO, hòa các đa vi lượng theo công thức chuẩn nước biển sạch, nên sản phẩm không tanh, không đổi màu và giữ nguyên được những phẩm chất tốt nhất của tảo. Anh cho biết thêm: “Môi trường nuôi tảo là nước biển. Bể xi măng, bể nhựa, bể bạt… bể kính chống lại sự ăn mòn nước biển, chống lại quy trình thải độc từ vật liệu nuôi vào tảo”.

Hiện nay, anh Lợi đã xây dựng được khu trang trại trồng tảo cung cấp ra thị trường bình quân 300kg/tháng (giảm so với thời trước Covid-19), chế biến các sản phẩm từ tảo như xà phòng tảo hữu cơ; sữa chua uống tảo, thạch tảo và mặt nạ tảo làm đẹp… tạo việc làm ổn định cho gần chục lao động địa phương với thu nhập dao động từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng. Sản phẩm tảo xoắn tươi của anh được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu độc quyền.

Anh Nguyễn Đức Lợi khẳng định: “Sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống thường nhọc nhằn và bấp bênh, phần do thiên tai địch hại, biến động thời tiết; phần do nhu cầu giá cả thị trường khôn lường… Điều đó ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng là cực kỳ cấp thiết; chủ động được mùa vụ (1 năm 5-6 vụ; riêng với tảo thậm chí thu 30-40 lần/năm), chủ động cả sản lượng, giá cả…”.

Quỳnh Nga