Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Nguyễn Đức Tuế cho biết, đội quản lý Trật tự xây dựng (Phòng Quản lý đô thị - UBND huyện Thanh Oai) đã cử cán bộ phối hợp với xã tổ chức cưỡng chế các công trình sai phạm sau khi báo chí phản ánh.

Việc cưỡng chế được tiến hành từ ngày 9-12/1, cơ bản đã xử lý xong các điểm đổ vật liệu trái phép lấn sông, lấp ao, hồ trên địa bàn.

{keywords}
Cưỡng chế khu vực đổ vật liệu để lấp sông Nhuệ tại xã Thanh Thùy 

Chủ tịch xã Thanh Thùy cho biết, địa điểm cưỡng chế tại khu vực sông cụt (ngay cổng thôn Từ Am), khu vực hồ sen tại thôn Từ Am và giáp với xóm Trại (thôn Rùa Hạ). Đây là những điểm lấn chiếm thường xuyên và nóng nhất tại xã Thanh Thùy.

“Việc cưỡng chế những công trình này được làm tắt, không có các quy trình như thông báo tới chủ hộ vi phạm, xử phạt sau đó mới là lên kế hoạch cưỡng chế, phương án, kinh phí… vì đây là những công trình vô chủ, không có ai đứng ra nhận. Tuy nhiên, những địa điểm này, nếu để một thời gian sẽ lại có công trình xây dựng bên trên để làm nhà xưởng, công trình kiên cố”, ông Tuế giải thích.

{keywords}
2 máy xúc, 4 xe tải được huy động để cưỡng chế 
{keywords}
 

Tuy nhiên, ông Tuế không lý giải được việc một nhà xưởng kiên cố dựng trên đất lấn chiếm do lấp sông Nhuệ ở cổng thôn Từ Am, liền kề khu vực lấn chiếm được cưỡng chế ngày 9/1, vẫn tồn tại và được cấp bìa đỏ.

“Đó là trường hợp của hộ ông Cao Văn Toán. Công trình vi phạm này tồn tại từ lâu, được cấp bìa đỏ từ năm 2017”, Chủ tịch xã Thanh Thùy cho biết.

Xác nhận với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thuật, Đội trưởng đội Quản lý trật tự xây dựng thừa nhận, những vi phạm về trật tự xây dựng tại xã Thanh Thùy là những sai phạm mới, không nằm trong nội dung thanh tra của Thanh tra huyện Thanh Oai.

{keywords}
Nhà xưởng xây dựng từ việc đổ vật liệu lấp sông ngay khu vực thôn Từ Am được phạt và cho tồn tại

"Vừa qua, Thanh tra huyện tiến hành thanh tra việc giao đất trái thẩm quyền từ thời điểm năm 1994 về trước, do lãnh đạo xã giai đoạn đó đã chuyển đổi trái mục đích khu vực làm chợ thành đất ở chứ không phải thanh tra các công trình sai phạm giai đoạn này. Để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, tràn lan như hiện tại, vai trò, trách nhiệm thuộc về đội quản lý trật tự xây dựng và chính quyền xã Thanh Thùy”, ông Thuật cho hay.

Phạt… cho tồn tại

Bí thư xã Thanh Thùy Lê Văn Cảnh cho biết, xã đã báo cáo, tham mưu lên Huyện ủy, UBND huyện theo hướng xử phạt nhưng cho tồn tại đối với các vi phạm nhưng phù hợp với quy hoạch.

{keywords}
3 công trình xây dựng trên đất lấn chiếm sông hồ, đất nông nghiệp được cấp bìa đỏ 
{keywords}
Sai phạm nhưng... phù hợp với quy hoạch nên được tồn tại

Hiện tại, UBND huyện Thanh Oai đã cấp bìa đỏ cho các hộ gia đình ông Cao Văn Toán xây dựng nhà xưởng trên đất lấn chiếm sông Nhuệ (cổng thôn Từ Am); hộ gia đình ông Thái Đình Quyết, Nguyễn Văn Hinh xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp - Bí thư xã Thanh Thùy thông tin.

Trao đổi với VietNamNet, Bí thư huyện Thanh Oai Lê Trường Thọ khẳng định, sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm các công trình sai phạm trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm từ lấn sông, lấp hồ.

“Quan điểm chung là làm nghiêm, không có vùng cấm, kể cả người thân, người nhà lãnh đạo xã, huyện”, Bí thư Thanh Oai trả lời câu hỏi về việc, có thông tin những trường hợp được cấp bìa đỏ là người nhà của lãnh đạo xã nên được ưu ái.

Đội trưởng đội quản lý Trật tự xây dựng huyện Thanh Oai Nguyễn Văn Thuật cho biết, sẽ làm việc với xã Thanh Thùy về từng trường hợp sai phạm cụ thể, đề nghị xã xuất trình hồ sơ địa chính đối với các công trình sai phạm phạt nhưng cho tồn tại.

“Chúng tôi sẽ thông tin tới báo bằng văn bản, nhưng cho chúng tôi khất đến qua Tết, vì cuối năm nhiều việc”, ông Thuật nói.

Một xã ở Hà Nội có hàng chục công trình xây dựng lấn sông, lấp hồ

Một xã ở Hà Nội có hàng chục công trình xây dựng lấn sông, lấp hồ

 Xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai, Hà Nội) có tới 70 công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Nhiều công trình có được từ việc lấp sông Nhuệ, lấp hồ thủy lợi trái phép.

Kiên Trung