Xã Thanh Thùy từ lâu nổi tiếng với nghề cơ khí sản xuất, gia công. Hầu như 100% các hộ dân cùng mở xưởng cơ khí, gia công cho các mối từ khắp cả nước đổ về đặt hàng.
Nhu cầu phát triển nhà xưởng trong khi quỹ đất hạn chế khiến tình trạng lấn sông, lấp hồ, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nở rộ trong vài năm gần đây tại xã.
Công trình kiên cố xây dựng trên khu đất trước kia là đầm Vực rộng nhiều ha |
Theo người dân địa phương, khu đầm Vực diện tích gần 3ha ngay đầu thôn Rùa Hạ, liền kề với trụ sở ủy ban xã, trước kia là đầm bãi, thùng đấu cho thuê thời hạn 5-7 năm. Thế nhưng, hai năm trở lại đây nó được san lấp, phân lô bán nền.
Với vị trí thuận tiện ở ngay đầu làng, gần đường quốc lộ, nhất là khi tuyến đường Hà Đông - Thanh Oai nối với quốc lộ 1A lên Pháp Vân - Cầu Giẽ hoàn thành, giá trị khu đất này được đẩy lên hàng chục triệu đồng/m2.
Một khu vực hồ khác bị san lấp để hình thành mặt bằng lên tới cả chục ha |
Tại khu đất rộng vài ha này, nhiều công trình kiên cố đã được xây dựng. Việc mua bán, chuyển nhượng được thực hiện qua tay nhiều người. Một số hộ dân đã được cấp bìa đỏ xác nhận quyền sử dụng đất đối với khu vực lấn chiếm, lấp đầm Vực trái phép.
Một khu đất khác có diện tích lên tới nhiều ha đã hoàn thiện mặt bằng, nằm vuông vắn giữa chiếc đầm rộng mênh mông. Bốn xung quanh của khu đất này được xây móng bê-tông, vẫn còn để chừa những râu sắt bên trên.
Theo cách thức chung, những công trình xây dựng trái phép đều xây tường bao dưới chân, sau đó quây tôn kín xung quanh và mái |
Một người dân cho biết, khu vực này trước kia là một cái đầm, xã cho hộ dân đấu thầu nuôi trồng thủy sản. Không ai biết đầm bị lấp một phần để làm gì, bởi nếu là dự án đã có thông báo tới người dân.
Tại đường nhánh vào thôn Từ Am, hai công trình nhà xưởng kiên cố rộng cả ngàn m2 có cùng một kiểu kiến trúc: tường quây bao bốn xung quanh có chiều cao trên 2m, sau đó là khung sắt, quây tôn kín mít trùm lên tận nóc.
Hàng chục công trình kiên cố lấn chiếm sông Nhuệ tại khu vực cổng làng Từ Am |
Thống kê sơ bộ, Thanh Thùy có hàng chục công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đầm bãi. Điều bức xúc hơn, đó là tình trạng lấn sông Nhuệ để làm nhà ở và nhà xưởng.
Ngay tại vị trí đặt tấm biển “Làng văn hóa thôn Từ Am”, hàng chục công trình kiên cố nằm án ngữ 2 bên bờ sông Nhuệ.
Một cụ ông thôn Từ Am cho hay, trước đây khu vực này không có nhà cửa. Người ta cứ bảo nhau đổ trộm vật liệu xây dựng, mỗi lúc một ít rồi lấn chiếm cả khu đất rộng hàng ngàn mét vuông.
Vật liệu xây dựng đổ lấp sông Nhuệ |
Một khu nhà xưởng rộng vài trăm m2 tại Rùa Hạ, Từ Am có giá lên tới chục tỷ đồng. Chạy theo lợi nhuận, nhiều người sẵn sàng thuê đất đổ vật liệu san ủi đất ruộng, lấn chiếm lấp hồ, đầm, lấp sông Nhuệ làm nhà xưởng, dù bị lập biên bản xử lý hành chính, nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Cả xã có hơn 70 công trình vi phạm trật tự xây dựng
Thừa nhận thực trạng trên, Chủ tịch xã Thành Thùy Nguyễn Đức Tuế cho biết, đã nhiều lần xử lý nhưng vẫn tồn tại, chưa giải quyết dứt điểm.
"Có hơn 70 trường hợp là công trình vi phạm trật tự xây dựng. Có việc lấn chiếm sông Nhuệ làm nhà ở, nhà xưởng kiên cố; nhiều khu vực lấp đầm, lấp thùng đấu, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép", ông nói.
Khu vực sông Nhuệ ngay cổng làng Từ Am bị lấn chiếm xây dựng hàng chục công trình |
Ông Tuế cũng chia sẻ: "Đây là vấn đề mang tính lịch sử, từ nhiệm kỳ chủ tịch xã trước khi tôi đảm nhiệm. Việc giao đất trái thẩm quyền khiến việc xử lý những tồn tại như trên là rất khó khăn".
Chủ tịch xã Thanh Thùy lý giải, chủ trương lấp hồ để làm chợ, nhưng đang thi công thì hết ngân sách nên phải dừng lại. Tuy nhiên, ông Tuế không cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan đến dự án.
Chủ tịch huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng thông tin, đã chỉ đạo Thanh tra huyện kiểm tra, xác minh tình hình quản lý trật tự xây dựng ở xã Thanh Thùy.
Cán bộ công an huyện lấn chiếm 5.000m2 đất xây biệt phủ
Ông Phạm Văn Công, cán bộ công an huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) lấn chiếm đất gấp 10 lần để xây dựng khu biệt phủ trái phép.
Kiên Trung