Những năm qua, di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa. Bởi vậy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng chính là đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa của đất nước, của nhân loại.
Câu chuyện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã được quan tâm trên tinh thần đó.
Huyện miền núi Thanh Sơn hiện có hơn 55% dân số là đồng bào dân tộc Mường.
Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, những năm qua hoạt động bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định. Một số lễ hội truyền thống được khôi phục, các hoạt động văn hóa đã hướng về cội nguồn, phát huy được giá trị vốn có. Công tác bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống kết hợp với xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội đã góp phần cải thiện và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào, phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của các tầng lớp xã hội tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Vừa qua, huyện đã triển khai thực hiện Đề án “Kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025”; Đề án “Tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021- 2025”. Bằng việc “khéo dân vận”, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể từ tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống đã được kiểm kê, sưu tầm, phục dựng và truyền dạy để văn hóa Mường có sức lan tỏa trong đời sống.
Đến nay, toàn huyện đã thành lập được gần 130 CLB văn hóa dân tộc Mường tại các xã, khu dân cư, trường học; bảo tồn được 634 chiếc chiêng, 123 bộ nhạc cụ khác, 1.268 bộ trang phục; 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng; phục chế được nhiều hiện vật, đồ dùng, nghề thủ công truyền thống, công cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường (cối giã gạo, khung cửi dệt vải, cọn nước...). Đặc biệt, huyện đã khôi phục trang phục dân tộc Mường để cán bộ và nhân dân có thói quen mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ, hội, đồng thời phục dựng ba di sản, gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian (Diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống, múa sênh tiền, múa trống đu, hát ví, hát rang...); lễ hội truyền thống Đình Lưa, xã Tân Lập.
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, thời gian tới, huyện Thanh Sơn xác định sẽ tập trung vào việc phát huy vai trò, uy tín của các già làng, trưởng thôn nhằm khơi dậy bản sắc đặc trưng, nét đẹp văn hóa dân tộc Mường.
Trong các dịp lễ, Tết, nhất là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, tại các khu dân cư cần có kế hoạch tổ chức các lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc Mường, qua đó các già làng, trưởng thôn có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ những nét đẹp của dân tộc mình qua tiếng nói, trang phục, các làn điệu dân ca, hát sắc bùa, múa sạp, hay cách sử dụng cồng chiêng...; khuyến khích, cổ vũ các nghệ nhân có kế hoạch mở lớp truyền dạy về tiếng nói, về lời hát cồng, chiêng…
Ngoài ra, huyện Thanh Sơn tiếp tục triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường như xây dựng phòng trưng bày các di sản văn hóa truyền thống; tổ chức các chương trình liên hoan, hội thi, trò diễn dân gian, ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số cấp xã, thị trấn; điều tra, khảo sát, thống kê và đánh giá thực tế, đầy đủ hơn các di sản văn hóa điển hình truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.
Trong đó, huyện chú trọng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản như nhà sàn truyền thống, ngôn ngữ, các hoạt động diễn xướng dân gian, trang phục truyền thống, công cụ lao động sản suất... tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân.
Văn Hùng, Ánh Tuyết, Lê Thị Na