Tại TPHCM, tất cả điểm mua bán giao dịch của người dân như siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh hay quán trà đá vỉa hè... đều có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, việc thanh toán quét mã QR tài khoản ngân hàng giúp người dùng tiết kiệm rất nhiều thời gian.
Các cơ sở kinh doanh mặt hàng có giá trị cũng áp dụng hình thức thanh toán này. "Các thành viên trong gia đình tôi hầu như chuyển sang thanh toán bằng thẻ, chuyển khoản khi đi ra ngoài, kể cả trả phí gửi xe, ăn uống hay mua sắm hàng đắt tiền", chị Hoàng Quyên (quận Bình Thạnh) nói.
Hiện nay, đa phần người dân, đặc biệt là các bạn trẻ ưa chuộng việc mua sắm online kết hợp với hình thức thanh toán qua app.
Các quán cà phê có giá bình dân hay nhà hàng hạng sang tại TPHCM hầu như đều ủng hộ phương thức thanh toán không tiền mặt.
Nhiều tiểu thương chia sẻ, khi áp dụng phương thức này sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng bởi nhiều người không có thói quen mang tiền mặt hoặc "lười" đi rút tiền từ cây ATM.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến đầu năm 2024, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt hơn 79% dân số, tương đương khoảng 78,5 triệu thuê bao. Sự gia tăng này tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các dịch vụ tài chính kỹ thuật số và thanh toán điện tử.
Thay vì sử dụng tiền mặt khi chi tiêu, mua sắm, khoảng 3 năm trở lại đây, người dùng chỉ cần thao tác đơn giản trên điện thoại hoặc thiết bị thông minh để thanh toán.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong 4 tháng đầu năm 2024, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 4,9 tỷ đồng giao dịch với tổng giá trị đạt hơn 87 triệu tỷ đồng.
Các sự kiện, lễ hội lớn tại TPHCM thường xuyên lồng ghép các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đến cho người dân
Trước sự tăng trưởng nhanh chóng của xu hướng thanh toán không tiền mặt, từ ngày 1/7/2024, đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch hơn 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày hơn 20 triệu đồng sẽ phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt).