Theo Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam, văn thư đóng dấu yếu tay, cùng với việc con dấu đã được sử dụng lâu nên hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể hiện rõ nét trên văn bản.
Cùng ngày, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Tiến cho biết, con dấu gốc của Thanh tra tỉnh có thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì một số lý do khách quan nên khi đóng lên văn bản thể hiện không rõ.
Ông Tiến giải thích: “Khi văn thư đóng dấu yếu tay, cùng với việc con dấu đã được sử dụng lâu năm nên hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thể hiện không rõ trên văn bản. Chúng tôi đã cho văn thư kiểm tra lại và yêu cầu rút kinh nghiệm khi thực hiện đóng dấu”.
Cũng theo ông Tiến, đơn vị sẽ kiểm tra lại toàn bộ văn bản mà con dấu không thể hiện hoặc thể hiện không rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước đó, chiều 13/7, Sở Tài chính tỉnh TT-Huế cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an tỉnh xem xét, giải quyết về việc con dấu của Thanh tra Sở này được cấp không thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền nước ta khi sử dụng bản đồ Việt Nam.
Cụ thể, con dấu mà Thanh tra Sở Tài chính tỉnh TT-Huế đang sử dụng hình tròn, giữa có hình bản đồ Việt Nam, giống mẫu của ngành thanh tra.
Từ thế kỷ 16 các triều đại phong kiến Việt Nam đã khai phá, xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng việc cử người ra hai quần đảo này khai thác hải vật, đo đạc thủy trình, cắm mốc chủ quyền và lập bản đồ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này và những vùng biển đảo khác trên Biển Đông.
Một trong những tài liệu vào loại sớm nhất nói về Hoàng Sa là bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong Toản tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, tự Công Đạo, biên soạn vào năm 1686. Ngoài ra, có rất nhiều loại bản đồ khác cũng đã chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ của nước Việt Nam.
Hiện nay, vị trí hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thể hiện rõ trên tất cả các tấm bản đồ địa lý của nước Việt Nam.