Xoay quanh câu chuyện nhiều nhà đầu tư lợi dụng kẽ hở để kinh doanh điện mặt trời mái nhà, các hộ gia đình có nhu cầu lắp đặt cho mục đích sinh hoạt đang tỏ ra khá hoang mang, lo lắng. Nhiều câu hỏi rất cơ bản đã được đặt ra như tôi có nên lắp đặt điện mặt trời mái nhà, thời gian hoàn vốn bao lâu, có lợi ích gì vẫn luôn thường trực trong đầu người dân.
Phần lớn các vấn đề này đã được ngành điện giải đáp, trong khi phần còn lại đang được gửi văn bản đến Bộ Công Thương để chờ được hướng dẫn. Tuy vậy, người dân không nên quá lo lắng bởi cơ chế chính sách sẽ được vận dụng hết sức linh hoạt để đem lại lợi ích tối đa cho các hộ dân.
Cụ thể, khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực từ ngày 30/06/2019, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vẫn ghi nhận sản lượng điện mặt trời của người dân, doanh nghiệp dù chưa thể thanh toán ngay. Sau khi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg được ban hành và có hiệu lực, sản lượng điện sản xuất sau ngày 01/07/2019 đến nay đã được thanh toán đầy đủ với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy người dân hoàn toàn có thể lắp đặt điện mặt trời mái nhà ngay từ bây giờ để được hưởng cơ chế ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Sản lượng điện vẫn sẽ được ghi nhận và thanh toán sau khi các vấn đề liên quan được tháo gỡ.
Phần khó khăn, vướng mắc về định nghĩa thế nào là công trình xây dựng, như thế nào là mái nhà đang được ngành điện và Bộ Công Thương giải quyết theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển năng lượng tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Về quy trình thủ tục từ lúc lắp đặt đến khi hòa lưới điện, điện lực cho biết tổng thời gian làm việc là 4 ngày. Trong quá trình thực hiện, chủ trương của EVN là không gây khó khăn cho hộ dân trong việc yêu cầu các loại giấy phép như xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường…
Các đường dây/trạm biến áp quá tải không còn khả năng đấu nối điện mặt trời mái nhà vẫn được ưu tiên đấu nối cho các hệ thống có công suất nhỏ hơn 100 kWp. Thực tế công suất lắp đặt của các hộ gia đình nhỏ lẻ chỉ khoảng dưới 10 kWp, do đó rất phù hợp với chủ trương của ngành điện.
EVN Solar cung cấp các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho điện mặt trời mái nhà |
Đồng thời, hiện nay nhiều ngân hàng trên cả nước đang đẩy mạnh các gói tín dụng xanh trị giá hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình lắp điện mặt trời áp mái với nhiều ưu đãi. Thông qua công ty Tài chính Cổ phần Điện lực, EVN cũng đang có ưu đãi ‘Một cửa - Một chính sách’ giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay để lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Quá trình vận hành hệ thống, EVN còn cam kết hỗ trợ tư vấn các gói dịch vụ như bảo hiểm, đánh giá kỹ thuật, môi trường xã hội… tạo nên một giải pháp tài chính đồng bộ, toàn diện, giảm thiểu tối đa rủi ro cho khách hàng.
Với các giải pháp đang được thực hiện đồng bộ, người dân đang có rất nhiều ưu đãi trong việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, từ cơ chế, thủ tục đến giá bán. Báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết 8 tháng đầu năm 2020, các khu vực phía Nam đã có 11.781 khách hàng lắp mới, hoàn thành trước chỉ tiêu được giao cho cả năm.
Như vậy, nếu tất cả khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, điện mặt trời mái nhà với tiềm năng phát triển to lớn ở nước ta hoàn toàn có thể đi đầu trong việc phát triển năng lượng tái tạo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong giảm phát thải khí nhà kính của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Phương Nguyễn
Nhiều người không biết công dụng "cửa" ở góc dưới bên phải của máy giặt
Nếu không được bảo dưỡng, vệ sinh thường xuyên thì có thể làm giảm tuổi thọ máy giặt và ngừng hoạt động đột ngột.