Hơn 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã đạt chuẩn NTM sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM và 9/9 tiêu chí huyện NTM, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi vượt bậc. Huyện đã huy động được hơn 13 ngàn tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 1 ngàn tỷ đồng để xây dựng NTM. Huyện đã xây dựng trên 735km đường giao thông nông thôn. Các công trình thủy lợi trên địa bàn phù hợp với quy hoạch, đảm bảo công tác tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Tháp Mười về đích nông thôn mới sớm 1 năm |
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực, trong nông nghiệp, huyện Tháp Mười đã duy trì và nhân rộng những mô hình hay, ngoài ra việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, công tác bảo vệ môi trường cũng được huyện quan tâm. Trong đó có mô hình nông dân bảo vệ môi trường, giúp hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, góp phần làm giảm dư lượng thuốc trong nông sản, tăng tính cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa, nâng cao lợi nhuận cho người nông dân.
Phát huy lợi thế cửa ngõ phía Đông của tỉnh kết nối với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, huyện đã chủ động đề xuất lập quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng kinh tế, sản phẩm chủ lực của huyện được thực hiện tốt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mở rộng sản xuất. Việc thu hút đầu tư đã góp phần giải quyết việc làm cho 3.850 lao động địa phương. Thu nhập của người dân lên gần 47 triệu/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,45% (2019). Cùng với đó thương mại, dịch vụ được mở rộng và phát triển, hoạt động mua bán, lưu thông hàng hóa ngày càng sôi động.
Chất lượng giáo dục, y tế được đảm bảo cảnh quan, môi trường được cải thiện và người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Với truyền thống của một huyện anh hùng trong kháng chiến và anh hùng trong đổi mới, gần 40 năm trước, Tháp Mười đã lập nên kỳ tích trong công cuộc tiến công khai phá Đồng Tháp Mười – cuộc cách mạng vô cùng quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, biến vùng đất chua phèn, hoang hóa mà chính các chuyên gia nông nghiệp thế giới đã khẳng định “không thể trồng lúa” trở thành vựa lúa lớn nhất của cả nước.
Ngọc Trang