"Cái gì có lợi cho trường, cho tập thể là thầy cương quyết làm bằng được. Nhất là đầu năm học, khi đâu đó đang để xảy ra tình trạng lạm thu thì ở trường tôi tuyệt đối không có bao giờ...".

Độc giả Nguyễn Đăng gửi tới tòa soạn bài viết hình dung về một thầy hiệu trưởng toàn đức toàn tài, mà theo anh chỉ có ở... trong mơ. VietNamNet giới thiệu bài viết của độc giả Nguyễn Đăng.

Mấy ngày nay, trời cứ mải miết mưa, tiếng mưa lúc rả rích, lúc ào ạt theo tiếng gió khiến đêm buồn não nề. Ngồi xem ti vi một hồi cũng thấy chán nên tôi lên giường ngủ sớm hơn mọi ngày.

Rồi… trong giấc ngủ, tôi bỗng thấy mình hạnh phúc quá đỗi vì năm học mới này có hiệu trưởng mới về trường. Hiệu trường trường chúng tôi nhân hậu, luôn quan tâm tới đồng nghiệp, tới học trò, tới tất cả những gì nhỏ nhất, miễn là giáo viên vui, học sinh thích và phụ huynh hài lòng. Thầy sống chân thành và thanh bạch lắm. Cái gì có lợi cho trường, cho tập thể là thầy cương quyết làm bằng được. Nhất là đầu năm học, khi đâu đó đang để xảy ra tình trạng lạm thu thì ở trường tôi tuyệt đối không có bao giờ.

{keywords}
(Ảnh: Phạm Hải)

Ngày họp hội đồng sư phạm đầu năm học, thầy bắt tay ân cần hỏi han anh em đồng nghiệp. Nào là trong những ngày hè có đi đâu chơi không, có làm thêm gì không? Nhất là ai cũng xúc động khi nghe thầy hỏi một số thầy cô giáo đang có con đi học đầu năm có phải đóng góp nhiều không, có đủ tiền nộp cho các cháu không? Những lời hỏi han ân tình của thầy hiệu trưởng nhà trường làm ai nấy đều rưng rưng cảm động.

Bắt đầu vào cuộc họp, thầy dừng lại thật lâu để nhìn anh em đồng nghiệp bằng ánh mắt nhân hậu với nụ cười hiền từ như mừng rỡ, tin tưởng tuyệt đối vào đồng nghiệp. Nhìn ánh mắt bao dung của lãnh đạo trường mình sao cảm thấy ấm lòng đến vậy. Thế mà hàng ngày tôi đã nghe bao người cứ nói ở đâu đó có những hiệu trưởng hách dịch, cửa quyền, tham lam, lạnh lùng…

Thầy nói khái quát về tình hình trong hè của nhà trường và triển khai năm học mới với rất nhiều ấp ủ, dự định của thầy, của Ban giám hiệu nhà trường trong năm học mới này. Đặc biệt, thầy nhấn mạnh các giáo viên chủ nhiệm phải sát sao với lớp, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn thì chậm nhất trong tuần tựu trường phải nộp danh sách lên để thầy cân đối tài chính và có thể vận động nhiều nguồn từ bên ngoài giúp đỡ. Bởi, thầy bảo: Làm thầy mà để học sinh bỏ học vì khó khăn thì phải tội lắm. Đừng để học sinh nào vì nghèo mà không thể đến trường.

Tuyệt nhiên, không nghe thầy nói gì về các khoản đóng góp đầu năm học của phụ huynh học sinh như hiệu trưởng của các năm học trước, nên có nhiều thầy cô trong trường đứng lên từ tốn hỏi thầy: Thầy ơi, năm nay trường mình có thu khoản tiền nào ngoài học phí và bảo hiểm y tế không? 

Thầy hiệu trưởng hỏi lại: Khoản gì là khoản gì nữa. Ngoài học phí là chúng ta thu theo qui định Nhà nước và bảo hiểm y tế là để đảm bảo cho các em khi ốm đau thì đâu cần phải thu thêm cái gì. Thế lâu nay, trường mình thu những khoản nào?

Nghe thầy hiệu trưởng mới hỏi, các thầy cô phía dưới đều đồng loạt kể lại vô vàn những khoản tiền mà các năm trước phải thu như: Tiền quĩ hội, tiền bảo trì máy tính, tiền vệ sinh môi trường, tiền điện, nước, tiền thư ngỏ khen thưởng, tiền thư ngỏ chi cho hoạt động ngoài giờ, tiền mua máy chiếu… 

Nghe đến đây, thầy hiệu trưởng ra hiệu cho giáo viên dừng lại và từ tốn trả lời: Các khoản tiền thầy cô vừa nêu đều nằm trong ngân sách Nhà nước cấp về. Trong ngành giáo dục có hai nguồn chi là chi thường xuyên và chi không thường xuyên. Khoản nào cũng đã được pháp luật qui định rõ ràng, mình thu của học sinh làm gì nữa. 

Địa phương mình đa số là dân lao động nghèo, họ phải vất vả làm lụng lo cái ăn, cái mặc còn chưa đủ mà vẫn cho con em đến trường với chúng ta là quí báu lắm rồi. Trường mình còn nghèo, tôi và các thầy cô cũng không dư dả gì, nhưng dù sao chúng ta cũng có đồng lương. Thôi thì, ngân sách có bao nhiêu ta làm vậy, cái chính là lương tâm tôi, lương tâm các thầy cô không phải cắn rứt. Chúng ta làm thầy, không chỉ dạy dỗ các em học sinh về tri thức mà còn dạy các em về sự bao dung, yêu thương, sẻ chia với mọi người.

Thầy còn nói thêm: Tôi đã bàn kĩ với kế toán nhà trường rồi, bắt đầu vào năm học mới, tất cả tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường cần nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chúng ta cần tiết kiệm điện, nước khi không cần thiết. Chúng ta hạn chế tiếp khách đoàn này, đoàn kia. Máy móc, trang thiết bị dạy học, cái gì còn dùng được ta cứ dùng, cái nào hư hao ta mới sửa chữa, cái nào không thể dùng được mới thanh lí… 

Tất cả là nhằm tiết kiệm ngân sách nhà trường để đến 20/11, Tết Nguyên đán có thể mua một món quà nhỏ tặng cho toàn thể giáo viên, nhân viên nhà trường. Bởi làm cả năm mà ngày Tết đến chẳng có món quà gọi là thì tội lắm. Tôi cũng đã tính đến những món quà tặng cho các em học sinh nghèo vào dịp khai giảng tới đây để tạo cho các em động lực học tập và phấn đấu, để các em thấy rằng nhà trường đúng là “ngôi nhà thứ 2 của mình”, thầy cô thấy sao?

Tiếng thầy hiệu trưởng vừa dứt, ai nấy đầu rưng rưng cảm động. Ôi, thầy - thầy hiệu trưởng trường mình nhân từ và… rất lạ. Chính thầy đã làm cho giáo viên chúng tôi tin và luôn tin là ngành giáo dục vẫn luôn có nhiều lãnh đạo tốt, bao dung, có trái tim yêu thương, đồng cảm với mọi người.

Tôi đang miên man trong niềm hạnh phúc, bỗng… tiếng chuông điện thoại báo thức vang lên tiếng kêu toe toe, khiến tôi chợt giật thót mình và thức dậy. Thì ra, đó là giấc mơ, giấc mơ của đêm dài… nhiều mộng. Vậy mà không hiểu sao lòng tôi vẫn cảm thấy lâng lâng lạ thường.

Nguyễn Đăng