- "Ban đầu, chúng tôi dự định sau  ngày 15/6 mới đưa clip lên. Đáng lý khi sự việc đang diễn ra, mình phải báo cho Bộ GD-ĐT biết. Nhưng tôi không còn số máy nào của Bộ, cũng không tin Bộ có thể giải quyết triệt để".

Thầy Đỗ Việt Khoa - người đưa clip tiêu cực thi tốt nghiệp ở Bắc Giang lên mạng đang gây xôn xao dư luận cho biết. Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet ông vẫn đau đáu đến một ngày thi cử sẽ hết giả dối.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa

Với việc đưa clip tiêu cực trong phòng thi ở Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô, ông muốn tiếp tục tạo một “quả bom” như 6 năm trước?

- Không nghĩ vụ này như quả bom được. Bởi vì dân mình quá quen với thứ tiêu cực thi cử này rồi. Cứ đọc các báo thì thấy, bây giờ người đọc chán rồi. Đọc xong thở sượt cái rồi thôi, không buồn phản hồi.

Theo dõi kỳ thi tốt nghiệp suốt 6 năm nay, ông nhận xét thế nào về tính nghiêm túc của kỳ thi trong quãng thời gian này?

- Nam Bộ và Tây Nguyên khá nghiêm túc. Nhưng Bắc Bộ thì không. Đặc biệt từ 3 năm nay, sau khi không còn thanh tra ủy quyền của Bộ giám sát nữa thì kỳ thi rất tiêu cực.

Ông mong muốn hướng xử lý của lãnh đạo giáo dục đối với sự kiện này như thế nào?

Tôi rất mong các cấp xử lý nghiêm khắc. Phải truy tố lãnh đạo hội đồng thi tội làm lộ bí mật quốc gia. Vì sao họ tuồn đề thi cho người không có nhiệm vụ coi thi. Họ bố trí giáo viên Toán, Hóa, tiếng Anh ở lại trường đóng vai nhân viên phục vụ để giải bài rồi đem phân phát cho mọi phòng thi.

Ngoài ra, vì đã ký cam kết cuộc vận động "2 không" (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục), nên cần xử lý kỷ luật đến mức hạ lương, khai trừ Đảng đối với các cán bộ, giám thị và giáo viên tiếp tay cho tiêu cực đó.

Cũng phải xem trách nhiệm của lãnh đạo sở. Tiêu cực thi này diễn ra trên khắp tỉnh Bắc Giang đấy nhé! Đừng bắt tôi chứng minh. Bởi mỗi lần phải chứng minh là hàng trăm người khốn đốn.

Phụ huynh và học sinh tình nguyện nộp tiền “chống trượt”, bản thân họ chấp nhận sự thỏa hiệp này, còn nhà trường tạo điều kiện cho thí sinh… Ông có thấy mình đang như “trứng chọi đá” và đi ngược lại lợi ích của số đông trong kỳ thi tốt nghiệp này?

Cũng gần như thế. Vì bất lực với tình trạng gian lận thi, nhiều người còn muốn bỏ quách kỳ thi này đi.

Trước đó, ông nói không hi vọng gì cho lần chống tiêu cực này. Vậy cho đến thời điểm này, trước xác nhận của lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Giang, ông có thay đổi suy nghĩ?

- Suy nghĩ đó của tôi không thay đổi. Tuy thế, tỉnh Bắc Giang không thể làm ngơ dư luận được. Và phía chúng ta, không lẽ sống mà không có hy vọng cái điều tốt chiến thắng sao?

Ông nghĩ thế nào về hiệu quả của việc "chống tiêu cực trong thi cử" với các clip phản ánh nạn tiêu cực ở một vài hội đồng thi lẻ tẻ trong số 2307 hội đồng thi tốt nghiệp trên toàn quốc?

- Như hòn đá ném ao bèo ấy. Nhưng dù sao cũng giúp dư luận, giúp lãnh đạo nhìn lại ngành mình.

Từ khi trở thành "Người đương thời" và là nhân tố tích cực khi kiên trì theo đuổi một môi trường trong sạch của giáo dục, ông đã song hành và vượt qua cảm giác cô độc của người đi ngược số đông ra sao?

-. Người ta phần lớn bây giờ cứ nghe bàn chuyện tham nhũng tiêu cực là lảng tránh. Ngay đến lũ bạn mình cũng thế. Không bao giờ bàn chuyện ấy. Bây giờ thì cũng phải quen đi khi mỗi một mình một đường.

Điều gì khiến ông kiên trì cách thức chống tiêu cực như vậy, nỗi thất vọng vì vụ việc năm xưa, hay niềm tin? Hay là cay cú?

- Chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay là công sức đấu tranh không ngừng của các thế hệ xưa và nay. Mọi người nên cám ơn họ. Tôi đấu tranh là vì muốn điều tốt đẹp cho cuộc sống đó. Trả giá tôi cũng nếm rồi. Nhưng tôi không cho rằng mình phải có trách nhiệm đi đấu tranh. Còn phải lo làm lo ăn chứ.

Ông có niềm tin gì không trong giáo dục?

- Niềm tin vào cái thiện đương nhiên không thể mất. Nó mà mất nốt thì xã hôi loạn. Mà ngành giáo dục là nơi chữ thiện còn nhiều nhất. Dẫu có thời điểm cái xấu nó thắng thế.

Các em học sinh có chia sẻ gì với ông khi cùng tham gia chống tiêu cực, trước và sau khi quay phim?

- Chúng chẳng quan tâm mấy đâu. Chúng còn bảo: trường mình mà cómột nửa người như thầy Khoa thì chúng em trượt hết à. Lúc học thì chúng thích mình dạy, nhưng khi thi thì chúng cầu cho không có mặt thầy Khoa coi thi.

Nếu sự việc lần này tiếp tục "chìm xuồng", ông có tiếp tục chống tiêu cực?

"Chìm xuồng" là thứ quen thuộc ở Việt Nam. Không lẽ buông xuôi nhìn cái xấu nó hoành hành à? Còn sức, còn phải lượng sức mà làm chứ.

Hiện, học sinh quay clip đang rất run, thầy giáo thì cho rằng việc ông đưa clip lên mạng là vội vàng. Như thế có phải ông đã đưa họ vào thế khó xử không?

Có lẽ đồng nghiệp của tôi dùng từ "nạn nhân" là không chuẩn lắm. Ban đầu, chúng tôi dự định sau 15/6 mới đưa clip lên. Tuy nhiên, các phóng viên muốn chất vấn ngay Bộ GD-ĐT trong chiều 4/6 (buổi họp báo sau khi kỳ thi tốt nghiệp kết thúc - PV) về tính an toàn, nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp này. Cái này phải làm nóng ngay khi Bộ đang quan tâm đến.

Đáng lý, khi sự việc đang diễn ra, mình phải báo cho Bộ biết. Nhưng tôi không còn số máy nào của Bộ, cũng không tin Bộ có thể giải quyết triệt để.

Khi đưa clip lên, tôi đã xử lý, thu gọn rất nhiều và không để chế độ chia sẻ cho tất cả mọi người, chỉ ai được tôi gửi đường link mới có thể vào xem. Tôi dự kiến sau khi sự việc được giải quyết mới công khai toàn bộ.

Em học sinh có lẽ đang rất run sợ, nhưng tôi đảm bảo rằng em không vi phạm quy chế thi. Quy chế cấm thiết bị thu phát, nhưng bút quay này chỉ thu chứ không phát. Nếu nhân đây Bộ GD-ĐT cấm luôn thiết bị này thì chúng tôi chịu. Chúng tôi hết cách rồi. Đây là cách cuối cùng để có bằng chứng chống tiêu cực.

- Xin cảm ơn ông!

  • Nguyễn Hường