Chúng ta không có hạnh phúc là vì sao? Đó là vì chúng ta không ý thức được, không tỉnh ra để nhận biết hạnh phúc. 

Tâm trí chúng ta hay rong ruổi, tìm kiếm những mục tiêu hấp dẫn trong một tương lai xa xôi hoặc cứ truy tìm về quá khứ để lý giải cho những uẩn khúc cuộc đời và mắc kẹt trong sự hỗn độn tâm thức.

Đầu óc chúng ta cứ luôn quay cuồng theo những cơn vọng tưởng. Ngược lại, ít khi tâm trí chúng ta an trú một cách sâu sắc trong hiện tại để biết rằng chúng ta đang có những điều kiện của hạnh phúc. 

Nhiều khi chúng ta đang đứng trên những điều kiện hạnh phúc mà không nhận ra. Chúng ta cứ đi tìm hạnh phúc vì tin rằng, hạnh phúc còn xa lắm. Chúng ta tin rằng phải được thêm cái này, cái kia nữa thì mới có hạnh phúc.

Thầy Minh Niệm trong một buổi pháp thoại.

Chúng ta chưa học được cách tùy duyên. Chúng ta cứ trì níu nhân duyên đã đi qua, trông ngóng nhân duyên chưa xảy đến để rồi không tiếp xúc trọn vẹn được với những nhân duyên trong hiện tại. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Bởi vì bạn còn sống nên điều gì cũng có thể xảy ra”. Hạnh phúc có thể xảy ra, vết thương rồi sẽ liền da, sẽ được chữa lành. Khổ đau rồi sẽ đi qua để nhường lại cho những giá trị thênh thang trong lòng. 

Chúng ta không phải là những nỗi khổ niềm đau. Những nỗi khổ niềm đau đó chỉ là một phần trong hành trình cuộc đời của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, do chúng ta chưa đủ giỏi, chưa đủ khéo nên mỗi khi nỗi đau xuất hiện, chúng ta đã bị cuốn vào, bị nhấn chìm. 

Thậm chí chúng ta đồng nhất, trở thành một với nỗi khổ niềm đau đó. Chúng ta nghĩ rằng mình là một kẻ thương đau. 

Nhưng không phải. Những nỗi thương đau mất mát kia chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trình cuộc đời mỗi chúng ta. 

Thầy Minh Niệm nói: "Chúng ta không phải là những nỗi khổ niềm đau".

Đức Phật nói: “Những điều kiện của hạnh phúc vẫn còn ở đó. Chỉ cần chúng ta làm sao để nhả ra, buông ra, thoát ra, đừng chăm bẵm quá mức vào những điều khổ đau để quay về, nhớ lại, nhìn kỹ lại, kết nối sâu trở lại những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có. Dầu rằng có nhiều điều bất như ý nhưng sự thật là chúng ta cũng có rất nhiều điều như ý”.

Chúng ta đau khổ quá lâu và quá sâu bởi thiếu một năng lực đặc biệt mà chúng ta từng không luyện tập thuần thục. Chúng ta chú ý vào những bất như ý, nỗi khổ niềm đau trong khi hoàn toàn có năng lực để dịch chuyển tâm mình về điều kiện thuận lợi, những điều kiện của hạnh phúc.

Chúng ta nên tập điều phục tâm ý, chỉ chú ý vào đề mục nào mình muốn chú ý, không để tâm mình bay nhảy phóng túng một cách thiếu kiểm soát. Chúng ta nên luyện tập điều này mỗi ngày, để hình thành một kỹ năng đặc biệt là chỉ chú ý, tập trung, quan sát vào đối tượng mình muốn.

Đức Phật nói, chúng ta đau khổ vì chúng ta đã mất đi khả năng chấp nhận. Điều vốn dĩ chúng ta phải phải có khi bước sâu vào cuộc đời này là tập chấp nhận những điều bất như ý xảy ra. 

Trích từ buổi pháp thoại: Không bùn thì cũng không sen - Thầy Minh Niệm