Ý tưởng về việc liên kết cùng phát triển không phải là mới trong cộng đồng doanh nghiệp, nhưng để đi đến hiện thực trên thương trường lại không phải là điều dễ dàng. Trong cùng một ngành nghề, các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh của nhau. Ai cũng muốn giữ bí mật kinh doanh và tranh giành nhau từng đơn hàng.
Tuy nhiên, với suy nghĩ đầy trăn trở, Hiệp hội phải làm gì để thúc đẩy thực sự sức mạnh từ bên trong cho các doanh nghiệp thành viên, 3 năm nay, bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đã khởi xướng và kêu gọi, vận động các doanh nghiệp thành viên “hãy mua hàng của nhau” thay vì mua hàng của doanh nghiệp Trung Quốc. Thậm chí, mở cửa nhà máy, mời “đối thủ” vào tham quan, học hỏi từ chính nhau để cùng nhau lớn mạnh.
Từ những e ngại ban đầu, cho đến nay, hơn 300 doanh nghiệp thành viên của VASI đã trở thành một khối gắn kết, vừa là đối thủ, vừa lại là khách hàng, bạn hàng của nhau, đồng thời, phát triển mô hình liên kết nhóm khá thành công.
Tại buổi tổng kết của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tổ chức tại công ty CP thiết bị và giải pháp cơ khí Automech hôm 20/12, đại diện Ban Dự án của Hiệp hội VASI chia sẻ, năm 2024, các doanh nghiệp đã giao dịch, đặt hàng của nhau đạt quy mô 17,9 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, quy mô giao dịch trong hiệp hội chỉ đạt 5,4 tỷ đồng, năm 2023 đạt 7,6 tỷ đồng.
“Đằng nào cũng phải đi mua nguyên vật liệu, hàng hóa của nước ngoài thì tại sao, chúng ta không mua hàng của nhau? Thay vì đi tìm mua những đơn hàng giá rẻ của nước ngoài thì tại sao, các doanh nghiệp thành viên không chia sẻ cho nhau cơ hội hợp tác? Muốn vậy, các doanh nghiệp sẽ phải cởi mở với nhau”, đại diện ban dự án của VASI phân tích.
Theo bảng tổng hợp kết quả năm 2024 của VASI, công ty APV đặt hàng của công ty Daido, Provision, HTVG, Phương Trang, JK. Ngược lại, công ty HTVG cũng đặt mua hàng của APV, công ty Vân Phong mua hàng của Provision, Phương Trang; công ty Indema đặt hàng của Ngũ Phúc…
Ông cho biết, thứ 4 hàng tuần, VASI lại tổ chức họp thành viên để bàn bạc, thảo luận xem trong tuần, trong tháng, có những công việc gì để làm được cùng nhau?
“Trong nhóm chúng tôi, mỗi doanh nghiệp một thế mạnh. Do đó, trong dự án, có thể phối hợp tốt cùng nhau. Ví dụ, chúng tôi dự kiến làm một sản phẩm quạt thì sẽ có người làm khuôn, người làm nhựa, người làm cao su, người làm cơ khí rồi sẽ bán sản phẩm đi khắp thế giới”, ông chia sẻ.
Không chỉ giao dịch nội bộ, các doanh nghiệp của VASI còn lập nhóm để “chào hàng” các Tập đoàn FDI lớn. Ví dụ, hiện nay, nhóm 5 doanh nghiệp thành viên VASI đang chung “team” triển khai dự án với Tập đoàn Panasonic, theo đó, công ty An Phú Việt sẽ chịu trách nhiệm cung ứng phần linh kiện nhựa, cao su, công ty JK chịu trách nhiệm khâu dập và cùng với Indema đảm nhiệm phần cơ khí, công ty Ngũ Phúc cung cấp nguyên vật liệu. Với Tập đoàn Kangaroo, công ty Phương Đông và công ty Cao su Giải Phóng đang cùng nhau cung cấp các linh kiện nhựa, cao su.
Mặc dù ý tưởng liên kết phát triển là xuyên suốt chủ đạo nhưng VASI cũng xác định 5 khó khăn, thách thức cần vượt qua. Đó là vấn đề năng lực của các doanh nghiệp thành viên không đồng đều; chưa có đủ đầu việc cho các doanh nghiệp trong nhóm làm; sự thấu hiểu tin tưởng giữa các thành viên chưa cao; doanh nghiệp cũng chưa đáp ứng được các phương thức sản xuất và công nghệ. Đồng thời, các doanh nghiệp gặp phải sự cạnh tranh rất lớn về giá cả, kỹ thuật tốc độ với các công ty Trung Quốc.
Dù vậy, nhiều giải pháp đã được ban lãnh đạo VASI đề ra khá cụ thể như, các doanh nghiệp sẽ cùng nhau tiếp cận khách hàng, đấu thầu các dự án lớn của các Tập đoàn nước ngoài, chia sẻ với nhau về năng lực sản xuất, đào tạo nhân sự cho nhau. Các doanh nghiệp cũng tránh tình trạng cạnh tranh nhau về giá, mỗi người “chào” một kiểu dẫn tới không hiệu quả.Chẳng hạn, trong cùng một lĩnh vực sản xuất khuôn, các doanh nghiệp sản xuất khuôn to, khuôn nhỏ có thể kết hợp lại với nhau để chào hàng khách hàng lớn.
Công ty APV sẽ tiếp nhận nhân sự của công ty Phương Đông, Vân Phong, Hoa Sen đến học gia công không tại nhà xưởng của mình trong 6 tháng.
VASI đặt mục tiêu năm 2025, tăng trưởng 20% số lượng đơn hàng nội khối so với năm 2024. 100% các doanh nghiệp thành viên sẽ có các buổi chia sẻ kinh nghiệm cải tiến sản xuất để giúp nhau nâng cao năng suất, đồng thời, xây dựng các hạng mục để chia sẻ, tạo điều kiện cho các đơn vị xem xét hợp tác.
Phạm Huyền