Do hoàn cảnh khó khăn, cho tới khi tốt nghiệp ĐH, đi làm, Bùi Thị Thanh Linh (32 tuổi) cũng chưa từng dám nghĩ đến chuyện đi du học. Thế nhưng, "sự kiện" người chị gái hơn cô 2 tuổi giành học bổng toàn phần đi du học Úc bằng chính năng lực của bản thân đã khiến cô ấp ủ quyết tâm đi du học.

Để có đủ tiền, Linh quyết định “liều”, gom góp tất cả các khoản mình có thể lo liệu được gồm tiền tiết kiệm sau 2 năm đi làm, tiền bảo hiểm thất nghiệp được hơn 250 triệu đồng, tìm mua một mảnh đất tiềm năng tại Đắk Lắk với giá 210 triệu.

Thanh Linh từng theo học tại Humber College (Canada)

Linh thế chấp mảnh đất vào ngân hàng để đáp ứng điều kiện về đảm bảo tài chính du học. Số tiền còn lại, cô dùng để làm hồ sơ du học, mua vé máy bay và trang trải cuộc sống trong thời gian đầu ở nơi đất khách.

Đồng thời, cô tìm kiếm được thông tin chương trình du học dành cho “con nhà nghèo” do chính phủ Canada hỗ trợ. Với chương trình này, sinh viên chỉ cần đảm bảo có khoảng 10.000 CAD (180 triệu đồng) tại ngân hàng Canada, nộp đủ 1 năm học phí (khoảng 300 triệu) cùng IELTS 5.0. 

“Tất cả các khoản chi phí trong 2 năm mình nhẩm tính hết khoảng 800 triệu". Sau 2 năm vừa đi học vừa làm thêm, Linh ra trường nhận mức lương khởi điểm 40.000 CAD. Sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, cô dư được khoảng 15.000 CAD.

"Có thể nhờ may mắn, sau 3 năm tốt nghiệp, mình đã trả hết khoản nợ du học và dư một khoản dự phòng”.

Dù không khuyến khích người trẻ đi du học bằng mọi giá khi chưa đủ điều kiện tài chính, nhưng Linh cho rằng, “cũng không nên coi chuyện vay tiền đi du học là gánh nặng mà nên là động lực để cố gắng. Không nên đợi khi đủ tiền mới đi du học, bởi như vậy, cơ hội sẽ qua đi khi chưa kịp nắm bắt”.

Ngoài ra, tùy theo điều kiện tài chính, người trẻ có thể cân nhắc lựa chọn những môi trường học tập có chi phí thấp hơn các nước đắt đỏ.

Không đủ điều kiện tài chính, du học sinh chọn cách đi làm thêm. Ảnh minh họa: Bloomberg

Hoàng Mai Anh (21 tuổi) từng giành suất học bổng trị giá 50% học phí để theo học ngành truyền thông tại một trường ĐH ở Anh. Dù đã được gia đình hỗ trợ khoản học phí còn lại, nhưng chi phí sinh hoạt tại đây cũng khiến cô lao đao.

“Mình từng nghĩ sẽ được tới một đất nước văn minh, chất lượng sống tốt hơn, có thu nhập cao hơn sau khi tốt nghiệp. Thế nhưng, chương trình học quá nặng cùng với việc phải đi làm thêm đến tối muộn để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt đã khiến mình kiệt sức”.

“Mọi thứ đều quá đắt đỏ. Dù có đi làm thêm nhưng tiền lương gần như không đủ. Mình thường xuyên cảm thấy stress khi cầm trong tay số tiền ít ỏi mà không dám gọi điện về xin gia đình hay chia sẻ với ba mẹ”.

Không ít lần Mai Anh cảm thấy hối hận vì lựa chọn đi du học khi chưa có đủ điều kiện tài chính.

“Mình biết không ít du học sinh dù nguồn tài chính chưa đảm bảo nhưng vì cố 'gồng' để đi du học nên đã rơi vào cảnh lao đao, thậm chí 'vỡ mộng' và phải bỏ dở chuyện học hành.

Cho nên, hãy đi du học khi có khả năng trang trải và có nguồn tiền dự phòng trong những trường hợp xấu nhất. Hoặc bạn hãy học tập, đi làm trong nước trước và bắt đầu đi du học khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, tài chính".

Nhiều con đường để 'đến thành Rome'

Từng hỗ trợ nhiều học sinh Việt Nam đi học ở các nước như Mỹ, Úc, Canada, bà Phạm Thị Minh Trân, Giám đốc một công ty du học cho rằng, nếu có điều kiện tài chính tốt, con đường du học sẽ rộng mở hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa phải nhiều tiền mới có thể đi du học.

“Có một số phương thức hỗ trợ ngân sách để giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên, như thông qua học bổng toàn phần, bán phần; học bổng miễn hoặc giảm học phí, học bổng sinh hoạt phí, học bổng cho sinh viên xuất sắc khi học tại trường,… hoặc tìm kiếm những trường có mức học phí dễ chịu mà người học có thể chi trả”.

Ngoài tiết kiệm chi tiêu, làm thêm cũng là giải pháp cần cân nhắc. Mình rất ấn tượng với các bạn sinh viên làm thêm trong trường, dẫn đoàn đi tham quan, giới thiệu về trường, từ đó mở rộng thêm cơ hội kết nối. Không ít bạn đã giành thêm một số học bổng tài chính thông qua sự chia sẻ của giáo viên”, bà Trân nói.