Chia sẻ việc nghiên cứu vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi tại hội nghị bàn một số giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn diễn ra vào chiều ngày 13/6, GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông báo, quá trình thử nghiệm vắc xin vô hoạt bước đầu trên đàn lợn bước đầu cho kết quả rất khả quan.
Cụ thể, đàn lợn được tiêm thử nghiệm vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi vẫn sống khoẻ mạnh sau 2 tháng. Trong khi đó, đàn lợn không được tiêm vắc xin này thì đang chết rất nhiều. Song, theo bà Lan, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Để có thể nghiên cứu, thương mại hóa vắc xin thì cần tiếp tục thử nghiệm nhiều lần, trên quy mô lớn hơn và cần sự tham gia, vào cuộc của doanh nghiệp lớn.
Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Học viện.
“Chúng tôi đang chỉ đạo phía Học viện tiến hành mở quy mô rộng hơn ở bước thí nghiệm và cũng chuẩn bị những tiền đề để nếu kết quả tốt như vậy có thể chuyển sang giai đoạn 2 là tổ chức sản xuất thương mại vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi”, ông Cường nói.
Sau 4 tháng nghiên cứu vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi tiêm thử nghệm trên đàn lợn bước đầu cho kết quả khả quan |
Bộ trưởng cũng đề nghị cần đốc thúc các đơn vị khác đẩy nhanh các giải pháp khoa học của mình và nhấn mạnh “đơn vị nào đến thời điểm này không gửi đề cương thì thôi, õng ẹo thì thôi, thiếu gì người làm, đưa doanh nghiệp làm. Dập dịch như diệt giặc, còn õng ẹo đến bây giờ chưa xong đề cương thì còn gì là dập dịch”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong việc nghiên cứu sản xuất vắc xin không nên bi quan. Thế thế giới 100 năm không nghiên cứu được không có nghĩa là Việt Nam không nghiên cứu được.
Thế giới 100 năm nay không làm được không phải vì người ta không biết, không đủ trình độ mà do nhiều điều kiện khách quan lịch sử xã hội, kinh tế, chứ không phải trình độ thế giới không làm được việc này.
Có mỗi châu Á hay ăn thịt lợn, những nước kia họ ăn nhiều thịt bò, thịt gà… nên họ ưu tiên nghiên cứu cho những cái này. Ở Việt Nam thịt lợn vẫn là thực phẩm chính trong cơ cấu bữa ăn, liên quan đến vấn đề kinh tế thì chúng ta phải giải quyết, không nên tự ti ở đây. Ông cũng đề nghị Học viện hoàn thiện nhanh bước thử nghiệm vắc xin, mở rộng quy mô trên diện rộng, đồng thời mời các doanh nghiệp cùng tham gia.
Ông Cường kêu gọi, vắc xin phòng dịch tả châu Phi đang khảo nghiệm trên diện rộng, các doanh nghiệp xông vào đây làm cùng để đến bước thương mại là có tiền đề.
“Doanh nghiệp thuốc thú y nhảy vào cuộc đi, tiền đồ triển vọng ở đây chứ đâu. Đây là startup quan trọng, đi đầu để giữ thị phần nếu nghiên cứu thành công vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi”, ông Cường nói thêm.
Trước đó, các chuyên gia thế giới về bệnh lợn cho biết, dịch tả lợn châu Phibắt đầu xuất hiện vào năm 1921 tại châu Phi, năm 1957 lan sang châu Âu và châu Mỹ. May mắn một số nước đã thanh toán được dịch bệnh này, tuy nhiên, như Tây Ban Nha phải mất 30 năm mà biện pháp quan trọng nhất chính là tiêu huỷ đàn lợn.
Đến năm 2007, dịch bệnh DTLCP lại xuất hiện tại châu Âu và giờ là Tây Âu. Việc lây lan chủ yếu là do vận chuyển sản phẩm thịt lợn bị nhiễm mầm bệnh.
Thời điểm hiện tại, bệnh dịch này đã lây lan ra 60 quốc gia trên thế giới, thiệt hại hàng chục tỷ USD cho việc phòng chống, đàn lợn bị thiêu huỷ lên tới hàng trăm triệu con và dự kiện đến cuối năm nay số lượng lợn tiêu huỷ do mực bệnh dịch này sẽ vào khoảng hơn 200 triệu con.
Theo đó, sau gần một thế kỷ phát hiện ra, đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bản thân chủng virus bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rất chậm trong đàn lợn nhiễm bệnh, song lợn mắc bệnh dịch này lại có tỷ lệ chết 100%.
Tâm An
Suốt thế kỷ cả thế giới 'bó tay', Việt Nam nghiên cứu 4 tháng có tin vui
Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện gần 1 thế kỷ, nhưng thế giới vẫn “bó tay” chưa nghiên cứu ra vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc chữa. Trong khi đó, Việt Nam vừa mới khảo nghiệm đã cho kết quả rất khả quan.