- Xác nhận tên lửa Buk bắn hạ máy bay MH17 nhưng không rõ ai là thủ phạm, tấn công khủng bố ở Israel và sứ quán Nga ở Syria trúng pháo cối là những tin nóng 24 giờ qua.

Tin nổi bật

Ủy ban An toàn Hà Lan vừa công bố báo cáo cuối cùng về vụ rơi máy bay Malaysia số hiệu MH17 tại đông Ukraina ngày 17/7/2014. Theo đó, máy bay MH17 đã trúng tên lửa Buk do Nga sản xuất.

Báo cáo này không đề cập tới vị trí tên lửa được bắn đi trên đất Ukraina, do đó chưa thể kết luận bên nào đã khai hỏa tên lửa trúng máy bay.

{keywords}

Buk là tên lửa đất đối không do Nga sản xuất. Quân chính phủ Ukraina và phe ly khai đều sử dụng loại tên lửa này.

BBC cho biết thêm, ‘mảnh vỡ của tên lửa được tìm thấy trong thi thể đội bay’.

Cả Hà Lan và hãng sản xuất tên lửa Buk của Nga là Almaz-Antey đều kết luận rằng MH17 trúng tên lửa Buk. Tuy nhiên, giữa hai báo cáo này có nhiều điểm mâu thuẫn.

Hãng Almaz-Antey đã trình bày kết quả thí nghiệm, tái tạo lại một vụ nổ do Buk gây ra trên thân máy bay. Hãng này cho rằng tên lửa Buk này là phiên bản 9M38, và loại này nằm trong kho vũ khí của quân đội Ukraina.

Kết quả thử nghiệm mô phỏng xác nhận chiếc Boeing-777 bị bắn hạ bằng tên lửa phóng đi từ lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng quân đội Ukraina.

Theo các chuyên gia của Almaz-Antey, tên lửa nổ ở khoảng cách động cơ bên trái của máy bay hơn 20m. Còn phía Hà Lan cho rằng tên lửa nổ cách buồng lái 3m.

Thảm kịch rơi máy bay MH17 đã khiến 283 hành khách thiệt mạng, trong đó có 80 trẻ em, cùng với 15 phi hành đoàn. Phần lớn nạn nhân trong số này là người mang quốc tịch Hà Lan.

Như vậy, cho đến lúc này vẫn chưa thể có manh mối gì từ các điều tra để xác định ai là thủ phạm đã bắn tên lửa trúng máy bay MH17 tại đông Ukraina.

Tin vắn

Một phiên tòa tại Trung Quốc đã kết án tù 20 năm đối với cựu lãnh đạo cấp cao trong ngành năng lượng của nước này vì tội tham nhũng. Đây là quan chức mới đây nhất có liên quan tới đường dây của cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang ra hầu tòa.

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì hội đàm với Cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Shotaro Yachi trong bối cảnh 2 nước đang xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh ba bên với Hàn Quốc dự kiến được tổ chức vào cuối tháng này.

Rạng sáng 13/10, Hải quân Sri Lanka đã bắt giữ 24 ngư dân Ấn Độ vì bị cáo buộc đánh bắt cá trong vùng biển nước này, gần đảo Katchatheevu.

Đất nước Israel đã bị chấn động bởi bốn vụ tấn công khủng bố xảy ra vào sáng 13/10 ở Jerusalem và Raanana khiến ít nhất 2 người bị chết và 30 người bị thương trong các vụ tấn công trên.

Một chiến đấu cơ J-10 của quân khu Thẩm Dương,Trung Quốc đã rơi trong lúc bay huấn luyện song, viên phi công kịp thời nhảy dù và thoát nạn.

Philippines ngày 13/10 bác bỏ thông tin mảnh vỡ tìm thấy ở đảo miền nam Philippines có thể là của máy bay mất tích MH370.

Các chuyên gia quân sự Nga sẽ thực hiện một chuyến bay giám sát hoạt động quân sự trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này, góp phần minh bạch hóa hoạt động quân sự của đôi bên trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở sau vụ chiến đấu cơ Nga "bay lạc" vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Tin ảnh

{keywords}

Ngày 13/10, khu vực Đại sứ quán Nga tại Syria bị hứng đạn cối nhưng không có thương vong. Hiện tại chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công cơ quan ngoại giao của Nga tại Syria.

Phát ngôn ấn tượng

“Từ lâu NATO đã thực hiện các chiến dịch quân sự phức tạp tại khu vực Trung Đông, tuy nhiên những hoạt động này thực sự không mang lại hiệu quả. Họ không thể giữ lời hứa hỗ trợ quân sự cho Iraq và Syria, trong khi Nga và Iran đều đáp ứng nhanh chóng khi được yêu cầu” – cựu điệp viên tình báo Anh (MI6) Alastair Crooke bình luận về các chiến dịch của Nga tại Syria nhằm chống phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ (IS) tự xưng.

Sự kiện

14/10/1939 – Chiến tranh thế giới thứ hai: Tàu ngầm Đức U-47 đánh chìm tàu chiến HMS Royal Oak của Anh đang đậu tại Orkney, Scotland.

14/10/1964 – Leonid Brezhnev trở thành Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô trong một hội nghị diễn ra khi người tiền nhiệm Nikita Khrushchev vắng mặt.

14/10/1973 – Đối diện với phong trào phản đối chính phủ của sinh viên Thái Lan, chính phủ quân sự của Thanom Kittikachorn từ chức.

Lê Thu