Cuối tháng 7/2019, Bách hoá Xanh có 659 cửa hàng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Cho đến thời điểm thống kê, chuỗi này có 268 cửa hàng tại 14 tỉnh khu vực Nam bộ, chiếm 41% tổng số cửa hàng, tức gần bằng với số lượng cửa hàng của chuỗi này tại TP.HCM.
Có thể thấy Thế Giới Di Động đang dồn lực vào chuỗi này khi trong tháng 7 có đến 79 mặt bằng mới được ký, trong đó có 2 mặt bằng ở Bình Thuận, chuẩn bị cho việc phát triển chuỗi ra thị trường các tỉnh miền Trung trong nửa cuối năm.
Như vậy, việc mở rộng ra các tỉnh lân cận của Bách hoá Xanh đang được đẩy nhanh hơn dự kiến. Trước đây, lãnh đạo chuỗi này khá dè dặt khi nói đến việc mở rộng chuỗi ra khỏi TP.HCM.
Một áp phích quảng cáo của Bách hoá Xanh, phía bên trái là một ngôi chợ truyền thống. Ảnh: Hải Đăng |
Trong buổi gặp các nhà môi giới đầu tư gần đây, ông Trần Kinh Doanh, CEO chuỗi Bách hoá Xanh, cho biết ở các tỉnh lân cận dễ tìm được mặt bằng rộng rãi. Người dân ở tỉnh cũng dễ bị thu hút bởi mô hình kinh doanh của chuỗi này, với mức giá ngang ngửa với chợ truyền thống nhưng không gian rộng rãi, sạch sẽ, nhân viên bán hàng chuyên nghiệp. Trong khi đó, ở TP.HCM người dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn về chuỗi siêu thị.
Cần nhớ rằng Bách hoá Xanh chỉ mới mở rộng ra ngoại tỉnh với cửa hàng đầu tiên ở Bình Dương vào tháng 7 năm ngoái. Như vậy sau đúng 1 năm, chuỗi này đã rất nhanh chóng mở ra đến 14 tỉnh thành với gần 300 siêu thị.
Chuỗi bách hoá của Thế Giới Di Động đã phủ khá rộng ở miền Đông, Tây Nam bộ, việc mở rộng ra Bình Thuận cho thấy công ty muốn đánh chiếm ra miền Trung. Ông Kinh Doanh cho biết việc mở ra phía Bắc chưa nằm trong kế hoạch tương lai gần, nhưng với tốc độ này khả năng Thế Giới Di Động mang chuỗi bán rau củ, đồ tươi sống của họ ra Hà Nội không còn xa.
Ông Nguyễn Đức Tài, đồng sáng lập chuỗi Thế Giới Di Động, từng nói với năng lực mở chuỗi của họ, có thể mở rất nhanh Bách hoá Xanh ra toàn quốc, tuy nhiên việc tìm kiếm công thức thành công cho chuỗi này mới là vấn đề cần phải giải.
Sau 4 năm chính thức hoạt động, Bách hoá Xanh có vẻ đã tìm được công thức thành công nhất định. Tuy nhiên việc mở rộng ra tỉnh khác sẽ gặp phải vấn đề lưu kho hàng hoá. Các trung tâm lưu trữ hàng tại TP.HCM có thể đáp ứng nhu cầu và tận dụng được công suất khi cấp hàng cho vài chục siêu thị, nhưng khi mở ra tỉnh khác thì vấn đề lưu kho, vận chuyển sẽ nan giải hơn.
Ngoài ra, gần 50% doanh thu của Bách hoá Xanh đến từ hàng tươi sống, do đó việc bảo đảm nguồn hàng này đến các tỉnh không hề dễ dàng.
Dẫu vậy, Thế Giới Di Động đang cho thấy nỗ lực dồn sức vào việc phát triển chuỗi Bách hoá Xanh càng nhanh càng tốt trong bối cảnh ngành hàng điện thoại không còn tăng trưởng nóng như trước.
Tại thời điểm cuối tháng 7/2019, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách hoá Xanh đã đạt trên 1,5 tỷ đồng/tháng. Trong đó, doanh thu trung bình của một cửa hàng chuẩn là khoảng 1,4 tỷ đồng/tháng và của một cửa hàng lớn là khoảng 2,3 tỷ đồng/tháng.
Cửa hàng chuẩn của Bách hoá Xanh thường khoảng 150-200 mét vuông, cửa hàng lớn vào khoảng 300 mét vuông. Hiện có 118 cửa hàng lớn, chiếm khoảng 18% toàn chuỗi.
Bên cạnh bán hàng tươi sống, đồ khô, chuỗi này đang thử nghiệm bán thêm các mặt hàng như nồi niêu, xoong chảo, các mặt hàng gia dụng.