Kim Ju-yeon, nhân viên văn phòng 36 tuổi, đang sống trong căn nhà đã gắn bó với cô từ thời niên thiếu tại thành phố Hanam, tỉnh Gyeonggi.
Căn nhà thuộc về cha mẹ cô. Cặp vợ chồng ngoài 60 tuổi sống trong căn phòng lớn nhất. Kim và cậu em trai đã tốt nghiệp đại học sử dụng hai phòng ngủ còn lại.
Mỗi tháng, Kim đưa cho cha mẹ, những người đã nghỉ hưu cách đây vài năm, một khoản tiền mặt song không bao giờ trả tiền nhà và tiền ăn.
Không chỉ lo cho con gái lớn nơi ăn chốn ngủ, mẹ Kim vẫn thường giúp cô dọn phòng, giặt là, thay ga giường.
Ở Hàn Quốc, những người như Kim đang ngày một nhiều. Họ vẫn được gọi là "Kangaroo tribe" hay "thế hệ chuột túi" - cụm từ dùng để chỉ những đứa con sống phụ thuộc vào cha mẹ về mặt tài chính lẫn tình cảm ngay cả khi đã đủ lớn để tự lập.
Người trẻ Hàn Quốc trì hoãn hẹn hò, kết hôn, sinh con và sống phụ thuộc cha mẹ. Ảnh: gettyimagesbank. |
"Tôi không thể sống một mình"
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hàn Quốc, hơn một nửa số người Hàn độc thân ở độ tuổi 30 đang sống cùng cha mẹ thay vì dọn ra ở riêng, Yonhap đưa tin.
Báo cáo cũng cho thấy hơn 60% những người chưa kết hôn trong độ tuổi 20-44 đang ăn bám người thân.
Tỷ lệ các hộ gia đình có thanh niên trên 26 tuổi độc thân sống cùng bố mẹ đã không ngừng gia tăng đáng kể từ 9% năm 1985 lên 26% năm 2010, theo báo cáo của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc.
Một khảo sát khác của cơ quan này chỉ ra khoản tài chính trung bình mà các bậc phụ huynh phải hỗ trợ cho mỗi người con trưởng thành của mình lên tới 740.000 won (650 USD)/tháng.
Cha mẹ Hàn Quốc phải chu cấp cho con trưởng thành. Ảnh: Yonhap. |
Gần một nửa số người tham gia khảo sát không có việc làm, cho thấy tình trạng thất nghiệp dường như là yếu tố chính đằng sau cái gọi là "thế hệ chuột túi".
Giống như nhiều người trẻ khác, Kim cũng từng mơ ước có căn hộ riêng để có thể mời bạn bè, đồng nghiệp đến chơi và sau này lấy chồng, sinh con.
Thế nhưng thực tế khốc liệt khiến cô gái trẻ đang phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp, lương thấp phải sớm từ bỏ ước mơ.
"Tôi đã quá quen với việc sống ở đây với cả gia đình. Tôi không nghĩ mình có thể sống một mình. Nếu chuyển ra ngoài, tôi cũng không thể trả tiền thuê nhà và các chi phí khác", Kim nói.
Theo số liệu được Chính phủ Hàn Quốc công bố ngày 13/1, số việc làm ở nước này trong tháng 12 vừa qua giảm 628.000 công việc so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/1999 - thời điểm xứ kim chi vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính.
Còng lưng nuôi con ở tuổi xế chiều
Mức độ phụ thuộc cha mẹ cũng tăng lên khi nhiều người trẻ Hàn Quốc trì hoãn 3 cột mốc quan trọng của cuộc đời: hẹn hò, kết hôn và sinh con.
Họ cũng không thể tìm được việc làm tử tế trong bối cảnh kinh tế suy thoái kéo dài và giá nhà tăng chóng mặt.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc theo đuổi cuộc sống độc thân. Ảnh: AP. |
Hơn 60% phụ nữ độc thân trong độ tuổi 30-44 cảm thấy cuộc sống vẫn ổn ngay cả khi họ không kết hôn. 45,9% nam giới độc thân trong cùng nhóm tuổi cũng có chung suy nghĩ, theo The Korea Times.
Do cái gọi là “những người độc thân ăn bám” hay “thế hệ chuột túi”, các bậc cha mẹ Hàn Quốc lớn tuổi rơi vào "bẫy chăm sóc kép".
Những người này buộc phải trì hoãn việc nghỉ hưu, tiếp tục còng lưng làm việc để chu cấp cho con cái trưởng thành, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ già bệnh tật do dân số đang già hóa nhanh chóng.
Một báo cáo của Viện Hưu trí Mirae Asset cho thấy khoảng 34,5% trong số 2.001 người được khảo sát ở độ tuổi 50-60 đang phải gánh vác đồng thời trách nhiệm chăm sóc con cái lẫn cha mẹ già.
Theo Zing
Chàng ca sĩ Việt được Tổng thống Hungary đặc cách cấp quốc tịch
Nhờ những nỗ lực suốt 12 năm qua, Ninh Đức Hoàng Long được bầu chọn vào danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam và được Tổng thống Hungary đặc cách cấp quốc tịch.