Đọc sách kiểu... shortcut

Linh Nga (28 tuổi, Hà Nội) thích đọc sách từ nhỏ. Là người đam mê ẩm thực, làm quản lý tại một nhà hàng, cô dành nhiều tình yêu cho sách văn học, kỹ năng, đặc biệt là chuyên ngành dịch vụ với hàng trăm cuốn được in dạng bản đặc biệt, hình thức bắt mắt và giá không hề rẻ. 

Tuy vậy, Nga thừa nhận lâu rồi không đọc trọn vẹn một cuốn sách. Sự khó khăn của nền kinh tế kéo theo tình hình kinh doanh ảm đạm, từ đầu năm cô liên tục phải làm thêm việc do nhân viên bán thời gian xin nghỉ. Không có thời gian đọc, cô tìm đến các ứng dụng tóm tắt sách.

Các ứng dụng tóm tắt sách ngày càng trở nên phổ biến.

“Thay vì nghiền ngẫm một cuốn 200 trang thì đọc một file 30 - 50 trang với các từ khóa tiện hơn. Nhiều clip tóm tắt, review sách có trên app, mạng xã hội nên tôi tranh thủ nghe khi di chuyển, cũng coi như đã nắm được tinh thần tác phẩm đó rồi”, Linh Nga cho biết. 

Số lượng hay chất lượng?

Giữa thời đại của mạng xã hội với lượng thông tin dư thừa, người đọc thụ động và chủ động tiếp nhận nội dung quá lớn mỗi ngày. Dẫn đến sự thịnh hành của các định dạng nội dung ngắn, video... nhằm rút gọn trải nghiệm, tiết kiệm thời gian.

Xu hướng này đã xuất hiện từ lâu trong ngành xuất bản với các định dạng sách nói, ứng dụng tóm tắt nội dung như GetAbstract, Blinkist và Instaread...

Thay vì đọc trọn vẹn một cuốn sách từ 200 - 300 trang, các ứng dụng cung cấp file tóm tắt khoảng 15 - 20 trang với những từ khóa của từng phần, mang lại sự tiện lợi và cảm giác nhanh chóng chinh phục mục tiêu.

Các bản tóm tắt giúp độc giả biết tới nhiều đầu sách hơn so với đọc trực tiếp. Như vậy, số lượng sách đọc được về mặt lý thuyết sẽ tăng: người chăm được 1-2 cuốn/tháng giờ đây sẽ lên 5-10 cuốn, thậm chí nhiều hơn nữa.

Tuy vậy, số lượng tăng không đồng nghĩa với chất lượng đọc và sự tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, đối thoại cùng tác giả... được giữ nguyên. 

Với nhóm sách phi hư cấu - điển hình là chủ đề quản trị, tâm lý học, nghiên cứu ngành hẹp... tác giả khi trình bày quan điểm, lý thuyết, nghiên cứu... đều đi kèm ví dụ. Nhưng với bản tóm tắt, toàn bộ dẫn chứng mất đi làm giảm sự sinh động và thuyết phục, người đọc phải tự liên tưởng, “điền vào chỗ trống” để minh họa cho phần lý thuyết. Vì vậy, không tránh khỏi trường hợp bị đứt mạch logic, thiếu thuyết phục, đồng thời hạn chế sự phản biện về kiến thức - điều cần có khi đọc một tác phẩm. 

Với truyện kể, tiểu thuyết... việc chỉ đọc tóm tắt không thể mang lại trải nghiệm trọn vẹn như lúc thưởng thức cả tác phẩm. Khi chỉ thu gọn lại còn cốt truyện độc giả mất cơ hội được đi qua các cung bậc cảm xúc của nhân vật, không có sự phát triển về tình tiết, sự liên tưởng về những chi tiết...

Đọc sách vẫn là một trải nghiệm mang màu sắc cá nhân, tuỳ nhu cầu mà độc giả nên chọn lựa cách thức phù hợp. 

Tuy nhiên, các định dạng tóm tắt vẫn phát huy tác dụng tốt khi độc giả đã từng đọc và cần nhớ lại, hoặc có chuyên môn nhất định về lĩnh vực chuẩn bị nghiên cứu, phân vân nên chọn cuốn nào giữa rất nhiều tác phẩm cùng chủ đề. Khi đó, tóm tắt sách sẽ làm đúng vai trò của nó – cung cấp một nội dung rút gọn cho người đọc có cơ sở lựa chọn.

Rất khó để bạn có thể lĩnh hội kiến thức và trải nghiệm hoàn chỉnh nếu chỉ dùng một bản rút gọn. Việc chịu ảnh hưởng của hiệu ứng FOMO (Fear of missing out – nỗi sợ bị bỏ lỡ) và liên tục dùng các bản tóm tắt khi chưa đọc sách rất có thể biến trải nghiệm đọc trở nên hời hợt, thiếu chiều sâu và sự chiêm nghiệm cá nhân. 

Đọc sách chưa bao giờ được “kêu gọi” phát triển như hiện tại. Rất nhiều phong trào, cộng đồng đọc sách được hình thành và hoạt động sôi nổi. Tuy nhiên, đây vẫn là một trải nghiệm mang màu sắc cá nhân, người đọc muốn tiếp thu hiệu quả cần sự chuyên tâm, tĩnh lặng, từ đó có thể có những cuộc đối thoại chất lượng với chính nội dung sách, tác giả và bản thân. 

Nguyễn Mai Phương, Tạ Ngọc Huy Linh, Lê Diệu Thúy

Sách tinh gọn có thể thúc đẩy văn hóa đọcThị trường sách tinh gọn nói chung và số lượng người sử dụng sách tinh gọn trên nền tảng số nói riêng có sự phát triển rõ rệt, cho thấy nhu cầu đọc và nghe của người dùng là hoàn toàn có.