Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong 2 năm liên tiếp, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 17-18% tổng lượng thủy sản xuất khẩu. Quốc gia 1,4 tỷ dân nằm trong top 3 khách hàng lớn nhất của thủy sản Việt Nam. 

Song, xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm liên tục kể từ đầu năm. Tính đến hết quý 3/2021, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm 11% tổng giá trị kim ngạch XK thủy sản của nước ta. 

Cụ thể, từ tháng 4/2021, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc liên tục giảm 11-51% bởi việc kiểm soát chặt thủy sản đông lạnh nhập khẩu tại các cảng chính của nước này, gây tắc nghẽn và tốn kém cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc, ảnh hưởng đến lợi nhuận và nhu cầu của các doanh nghiệp XNK.

Đáng chú ý, trong quý 3, xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc giảm mạnh. Dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta từ tháng giữa tháng 7 khiến xuất khẩu tháng 8 giảm 36%, tháng 9 giảm 51%.

{keywords}
Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam được sự báo giảm mạnh trong năm nay (ảnh: TL)

Tính đến cuối tháng 9/2021, xuất khẩu thủy sản Việt sang Trung Quốc giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 768 triệu USD. Trong đó, hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra sang thị trường này đạt 298 triệu USD và 279 triệu USD, giảm lần lượt là 23% và 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm 23%. Trong đó, tôm sú giảm 12% và tôm hùm giảm tới 82% so với cùng kỳ năm 2020.

Tương tự, trong 9 tháng năm 2021, xuất khẩu cua ghẹ sang thị trường này cũng chỉ đạt 36 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc liên tục giảm do chính sách kiểm soát quá chặt chẽ virus SARS-CoV-2 trên thủy sản nhập khẩu, khiến thông quan tại các cảng ở Trung Quốc bị ách tắc. 

Từ quý III/2020, Trung Quốc nhiều lần thông báo phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ một số nước như Ấn Độ, Ecuador, Nga, Indonesia... Hàng trăm công ty xuất khẩu từ các quốc gia trên bị đình chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc 1 đến 5 tuần. Riêng Ấn Độ có tới trên 70 công ty bị tạm ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) còn cho biết sẽ tăng cường kiểm tra đối với thủy sản chuỗi lạnh. Đến ngày 29/10, GACC đã kiểm tra hơn 400 nhà sản xuất thực phẩm chuỗi lạnh quốc tế và đình chỉ 154 công ty nhập khẩu do lây nhiễm từ các nhân viên.

GACC lấy khoảng 3,2 triệu mẫu thực phẩm nhập khẩu, trong đó có 499 mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2. Cơ quan này đã đình chỉ nhập khẩu đối với 221 công ty quốc tế từ 1-4 tuần.

Tại Diễn đàn Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc, ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) - cho hay Trung Quốc đã công nhận danh sách 748 cơ sở chế biến thuỷ sản, 20 cơ sở xuất khẩu thuỷ sản sống (tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm, cua); 48 loài thuỷ sản và 128 loại sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào nước này.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thuỷ sản sống. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho các đơn vị xuất khẩu vì phải mất một thời gian chờ tại cảng.

Theo ông Lê Bá Anh, số lô hàng thuỷ sản của Việt Nam bị phía Trung Quốc cảnh báo phát hiện nhiễm virus tăng khá nhanh. Các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu cần đặc biệt chú ý, nhất là các chỉ tiêu phụ gia thực phẩm, chỉ tiêu về bệnh thuỷ sản.

Cục Quản lý chất lượng nông thuỷ sản đang đề nghị Trung Quốc bổ sung thêm 92 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đã đăng ký bổ sung vào danh sách theo quy định tại Lệnh 248.

T.An 

Thế mạnh chiến lược Việt Nam sụt giảm khi sang Trung Quốc

Thế mạnh chiến lược Việt Nam sụt giảm khi sang Trung Quốc

Xuất khẩu thủy sản tháng 9/2021 chỉ đạt trên 628 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm tới 50%. Đây là tháng thứ hai liên tiếp  xuất khẩu thuỷ sản lao đốc.