Các nhà nghiên cứu cho biết đã phát hiện thêm bằng chứng xác thực sự tồn tại của "Hành tinh thứ 9" đầy bí ẩn trong hệ Mặt trời của chúng ta, sau khám phá đầu tiên về nó hồi đầu năm nay.

Hồi tháng 1 vừa qua, các nhà thiên văn học thuộc Viện Công nghệ California (Caltech) từng tuyên bố, trong hệ Mặt trời của chúng ta còn có một hành tinh khổng lồ, chưa từng được biết đến từ trước tới nay. Kết luận này dựa vào các quan sát thiên văn của một số kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới cũng như các mô hình tính toán trên máy tính.

Hành tinh ẩn giấu khổng lồ được tin là tọa lạc ở rìa hệ Mặt trời của chúng ta và sở hữu khối lượng lớn hơn gấp 10 lần Trái đất. Nó nhiều khả năng thuộc thể khí và tương tự như Thiên vương tinh hoặc Hải vương tinh.

Kể từ tuyên bố khám phá hồi đầu năm nay, các nhà nghiên cứu đã ra sức tìm kiếm những dấu hiệu có thể xác thực sự tồn tại của hành tinh nói trên. Hiện, nhà thiên văn học Mike Brown thuộc nhóm nghiên cứu của Caltech thông báo, ông đã tìm thấy thêm bằng chứng xác thực vấn đề này.

Trong một mẩu thông điệp đăng tải trên mạng Tweeter mới đây, ông Brown đã cho chia sẻ bức ảnh về hành tinh bí ẩn mới phát hiện, mà các nhà nghiên cứu gọi là "Vật thể thuộc vành đai Kuiper" (KBO). "Hỡi những người hâm mộ 'Hành tinh thứ 9', một KBO lập di mới được tìm thấy. Và nó chính xác ở nơi Hành tinh thứ 9 nên tọa lạc", ông Brown viết.

{keywords} 

KBO nghi vấn được đặt ký hiệu là uo3L91, được biểu thị cùng một đường khoanh liền màu xanh trong bức ảnh. Theo ông Brown, đây là bức ảnh trích lấy từ một cuộc thảo luận mới diễn ra ở Viện Seti, dựa vào các dữ liệu của kính viễn vọng không gian Canada - Pháp -Hawaii trong Cuộc khảo sát các nguồn gốc ở vòng ngoài hệ Mặt trời (OSSOS).

Nhà thiên văn học Brown giải thích, Hành tinh thứ 9 hướng về phía đối ngược so với các hành tinh khác trong hệ Mặt trời, nên nó nằm ở phía dưới, về phía tay phải của bức ảnh. 

Mặc dù cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng xác đáng nào về sự tồn tại của của "hành tinh khác trong hệ Mặt Trời mà chúng ta chưa từng biết đến", nhưng nhiều chuyên gia đã tiến hành các cuộc nghiên cứu của riêng họ về một hành tinh kiểu này - hành tinh thường được nhắc đến như "Hành tinh thứ 9" hoặc "Hành tinh X".

Căn cứ thuyết phục nhất cho tới nay là một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Arizona (Mỹ) về sự kỳ dị của các KBO. Nhóm nghiên cứu nhận định, các quỹ đạo dị thường của những thiên thể xa xôi này hé lộ chúng di chuyển cắt ngang Hành tinh thứ 9 ở điểm nào đó.

Các chuyên gia tin rằng, Hành tinh thứ 9 di chuyển theo một quỹ đạo bị kéo giãn dài và mất khoảng 10.000 - 20.000 năm mới hoàn thành một vòng quanh Mặt trời. Tính trung bình, khoảng cách của nó với Mặt trời gấp gần 20 lần quãng đường từ Mặt trời tới Hải vương tinh (khoảng 4,5 tỉ km).

Theo tuyên bố khám phá hồi tháng 1, sự tồn tại của Hành tinh thứ 9 được rút ra từ ảnh hưởng trọng lực của nó lên nhiều thiên thể thuộc vành đai Kuiper, vành đai được xem là biên giới của Hệ Mặt Trời. Hành tinh thứ 9 này được tin là khiến quỹ đạo của các vật thể trong vành đai Kuiper (KBO) vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo của 8 hành tinh đã biết trong Hệ Mặt Trời. Trong 3 năm qua, đã có 4 vật thể được phát hiện hành xử theo cách này.

Điều này bất thường tới nỗi chính đồng sự của ông Brown, Konstantin Batygin, cũng nhận xét: "Tôi đã rất hoài nghi. Tôi chưa từng thấy điều gì giống thế này trong cơ học hành tinh". Chuyên gia Batygin thậm chí còn gây hoài nghi về khả năng va chạm giữa hành tinh này với các KBO.

Song, theo các chuyên gia, có lẽ vẫn có một cơ chế cơ học cho phép điều trên diễn ra. Đó là phép cộng hưởng trung bình chuyển động (mean-motion resonance). Trong đó, khi hành tinh này và các KBO di chuyển quanh quỹ đạo, chúng sẽ tiến hành trao đổi năng lượng và bù trừ khoảng cách cho nhau. Chẳng hạn như, cứ 4 lần hành tinh này chạy được 1 vòng quỹ đạo, thì một KBO khác đã hoàn tất được 9 lần quỹ đạo, nên chúng sẽ không đâm vào nhau. Tương tự với các KBO khác trong suốt hàng triệu năm qua.

Tuấn Anh (Tổng hợp)