-  "Nếu để xảy ra những hệ luỵ xấu thì việc xem xét từ chức của một Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng là quá nhỏ bé, không có ý nghĩa gì đối với thiệt hại gây ra cho đất nước, nhân dân và xã hội", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ về dự án thép Cà Ná.


Trong ngày làm việc cuối cùng của năm 2016, 30/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh đã có một buổi nói chuyện khá dài với báo chí riêng về vấn đề của dự án thép Cà Ná- một trong những dự án đang gây tranh cãi thời gian qua.

Ông khẳng định: "Nếu hệ luỵ xảy ra ở một dự án ở đây (thép Cà Ná) và có phần trách nhiệm nào đó của Bộ Công Thương thì tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân".

"Trước khi là một Bộ trưởng, tôi cũng là một công dân và chúng ta bình đẳng trước pháp luật. Nhưng là Bộ trưởng thì phải chịu trách nhiệm cao hơn nữa, tương xứng với hành vi và trách nhiệm của mình", ông Trần Tuấn Anh nói.

Và ông nhấn mạnh: "Hơn nữa, tôi là Đảng viên của Đảng, tôi thực hiện nhiệm vụ của mình cũng là theo sự phân công của Đảng. Tôi không e ngại chuyện từ chức".

Trước đó, tại phiên họp chất vấn các bộ trưởng của Quốc hội trong kỳ họp vừa qua, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã đặt câu hỏi: "Nếu hệ luỵ ở dự án thép Cà Ná xảy ra thì Bộ trưởng có dám cam kết trước Quốc hội rằng mình sẽ từ chức?"

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết về trách nhiệm ở dự án Thép Cà Ná
 (ảnh: Phạm Huyền)

Khi đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, do hết thời gian nên đã tạm thời "nợ" câu trả lời thẳng về vấn đề từ chức.

Tại buổi chia sẻ với báo chí chiều 30/12, ông cho biết tinh thần, quan điểm của ông về các vấn đề liên quan đến dự án thép Cá Ná như trên đã được ông gửi trả lời bằng văn bản ngay sau đó tới Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.

Trong khoảng 15 phút nói về vấn đề này, thông điệp "chịu trách nhiệm trước pháp luật" liên tục được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Ông tâm sự rằng: "Tôi không phải là người sợ trách nhiệm. Và tôi sẵn sàng đối mặt với trách nhiệm. Nhưng chúng ta phải hiểu đúng câu chuyện".

Theo bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bản chất vấn đề cần hiểu đúng là dự án này mới được đưa tên vào trong quy hoạch bổ sung và quy hoạch này cũng đang thuê tổ chức độc lập của nước ngoài tư vấn. Việc xây dựng dự án, thẩm định, phê duyệt... là cả một quá trình về sau. Dư địa thời gian để thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước đối với dự án này là còn lớn. Đây cũng là cả một quãng đường dài, đòi hỏi các chức năng nhiệm vụ quản lý ở nhiều bộ ngành khác nhau với cơ chế phân cấp giữa trung ương và địa phương.

"Đây chưa phải là việc một dự án đã được phê duyệt, đã được đầu tư để thực hiện", ông lưu ý.

Chính bởi vậy, "ngay tại thời điểm này, chưa thể nói đến bất kỳ một chi tiết nào về dự án, hay coi đó là dự án oan nghiệt (như lời chia sẻ của TS Lê Đăng Doanh trên trang facebook cá nhân- PV) hay là dự án có hiệu quả. Bởi nói đến, sẽ là võ đoán", bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ.

Đặc biệt, vị tư lệnh của ngành công thương nhấn mạnh: Điều quan trọng hơn tất thảy là, đó là nhiệm vụ của Bộ Công Thương và cá nhân Bộ trưởng, với công cụ pháp lý và bằng ý thức trách nhiệm của mình, phải đảm bảo không để xảy ra, không được phép xảy ra bất kỳ một hệ luỵ nào ở dự án thép Cà Ná. Bởi nếu xảy ra hệ luỵ, lúc đó, không còn cơ hội để mà ngồi tính xem, hình thức như vậy (từ chức- PV) là đã phù hợp chưa, đã tương xứng với các hệ luỵ đã xảy ra chưa?

Nói thêm về quan điểm phát triển ngành thép và ngành công nghiệp nói chung, ông Trần Tuấn Anh thẳng thắn: "Nếu không có dự án thép này, hay bất kỳ dự án phát triển công nghiệp nào, kể cả như dự án nhiện điện thì đất nước Việt Nam có phát triẻn được hay không? Đất nước của chúng ta có thể chỉ phát triển bằng hạt muối của Cà Ná và hạ thóc của Tây Nam Bộ không?"

"Một đất nước mà không có nền công nghiệp, không có cơ sở công nghiệp thì có thể tiếp tục phát triển được không? Và như vậy, chúng ta đang tự đánh mất đi những lợi thế, nguồn lực hiện có? Nếu chỉ e sợ những hệ luỵ xảy ra, không làm gì cả, vậy thì vai trò của các nhà quản lý, nhà làm chính sách ở đâu?", ông Trần Tuấn Anh nói.

Dự án thép Cà Ná đặt tại tỉnh Ninh Thuận do Tập đoàn Hoa Sen đăng ký với Bộ Công Thương làm chủ đầu tư. Ngay khi vừa được bổ sung vào Quy hoạch điều chỉnh ngành thép (dự thảo), dự án này đã gây phản ứng mạnh trong dư luận, do những lo ngại về hệ luỵ môi trường tương tự xảy ra sau sự cố Formosa xảy ra ở biển miền Trung.

Để minh bạch và khách quan, Bộ Công Thương hiện đang tổ chức lấy ý kiến các nhà khoc học về dự án này trước khi trình Chính phủ xem xét.

Phạm Huyền