Nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp thời gian qua đã đã chú trọng chuyển đổi số ngành nông nghiệp nhằm giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về cảnh báo dịch hại, thời tiết, thị trường, thành tựu khoa học, công nghệ mới, tự động hoá và quản trị quy trình sản xuất hiệu quả hơn, đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, tiết giảm chi phí trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất. 

W-nongsan-9.png
Ảnh minh hoạ

Cuối năm ngoái, Công ty Cổ phần Rynan Technologies Việt Nam đề xuất lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho phép hoạt động thử nghiệm nền tảng chuyển đổi số ngàng nông nghiệp rộng rãi đến các địa phương, các ngành liên quan, để tiến hành tập huấn cho cán bộ, thu thập dữ liệu từ cấp xã, đến cấp tỉnh. Đồng thời, phía Công ty cũng đề xuất lãnh đạo tỉnh cho ý kiến đối với việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Công ty trong hoạt động chuyển đổi số nông nghiệp và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp.

Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tập trung phát triển ứng dụng thuộc hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số, hướng đến phục vụ đối tượng tiếp cận và thụ hưởng là người nông dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã v.v., cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh, đến huyện, xã, nhằm số hoá nhật ký canh tác (cho phép ghi nhận thông tin canh tác, các thông tin về vật tư đầu vào, thông tin về mùa vụ sẽ được tự động cập nhật).

Cụ thể, tiếp tục phát triển phân hệ nhật ký canh tác số, cho phép ghi nhận thông tin canh tác, các thông tin về vật tư đầu vào, thông tin về mùa vụ sẽ được tự động cập nhật; phân hệ phần mềm thu thập, quản lý và khai thác thông tin, nhu cầu, xu hướng và giá cả thị trường nông sản; phân hệ phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản, thủy sản và vật nuôi.

Ứng dụng trên điện thoại di động tích hợp dãy thuật trí tuệ nhân tạo giúp đơn giản hóa việc thu thập dữ liệu canh tác thông qua chụp ảnh và quét mã vạch, dữ liệu canh tác tự động đưa về hệ thống quản lý trung tâm, do đó việc quản lý và truy xuất nguồn gốc từ vật tư đầu vào – sản xuất – chế biến (sản phẩm chính, sản phẩm phụ) – phân phối – cuối cùng là người tiêu dùng. Tích hợp, đồng bộ hóa trang web “dongthapxanh.vn” vào hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số. Triển khai thí điểm các thiết bị giám sát mặt đất giúp thu thập dữ liệu tự động và số hóa quy trình canh tác tại một số mô hình thí điểm cho các sản phẩm chủ lực như cá sặc rằn và một loại vật nuôi được chọn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, trước mắt nền tảng chuyển đổi số sẽ là công cụ quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, tiếp đến mở dần sự tham gia của người dân vào nền tảng này. Trong triển khai cần tính toán đến hạ tầng công nghệ cần triển khai, tận dụng tối đa hiện trạng đang có và lựa chọn một vài địa phương để vận hành thử nghiệm.

Đỗ Thị Thanh Bình, Hoàng Thị Kim Duyên, Trần Thị Thu Hằng