Với ý nghĩa lớn nhất là tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, kể từ khi triển khai đến nay, chương trình OCOP tạo ra làn sóng rộng khắp trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, Hà Giang là địa phương có nhiều tiềm năng về văn hóa, tài nguyên, cảnh quan, để triển khai chương trình này.
Tháng 3/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 500 phê duyệt Đề án Mỗi xã một sản phẩm (Đề án OCOP) giai đoạn 2018 -2020, định hướng đến năm 2030. Chủ trương nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, đưa hàng nông sản của tỉnh vươn ra “biển lớn”.
Đề án OCOP của tỉnh này xác định: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và tăng giá trị; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.
Trong giai đoạn 2018 – 2020, 2 sản phẩm chè Shan tuyết của Hà Giang được công nhận OCOP quốc gia và 3 sản phẩm cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn.
Cam Sành Hà Giang |
Đến nay, Hà Giang là tỉnh có diện tích trà Shan tuyết lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 80%. Đặc biệt, đa phần diện tích trà Shan tuyết đều là chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thậm chí có cây 500 – 700 tuổi. Danh tiếng chè Shan tuyết Hà Giang cũng được khẳng định không chỉ trong nước mà cả quốc tế; có nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Đài Loan, Trung Quốc….
Hà Giang cũng nổi tiếng về cam Sành. Đây dược đánh giá là cây trồng chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế cao. Cây cam Sành đã được người dân trên địa bàn trồng và phát triển từ khoảng 40 năm trước, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Trồng cam đã trở thành sinh kế, tạo việc làm ổn định, thu nhập khá, góp phần thoát nghèo và làm giàu cho hàng nghìn hộ dân. Hiện tại, diện tích cam Sành của tỉnh được người dân phát triển đạt trên 7.000 ha, chiếm 82,4% diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh.
Cam Sành Hà Giang cũng được nhiều cửa hàng, siêu thị tại các thành phố lớn thu mua, phân phối.
Mật ong Bạc hà cũng là sản phẩm đặc trưng của Hà Giang bởi cây Bạc hà dại - nguồn mật chính của ong chỉ sống trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và chỉ ra hoa trong khoảng thời gian từ tháng 9 tới tháng 12.
Từ danh tiếng và chất lượng đã được khẳng định, mật ong Bạc hà luôn có giá thành cao so với các loại mật ong khác, khoảng 500.000 đồng/lít. Dù vậy, hàng năm với sản lượng mật trên 200 tấn nhưng mật ong Bạc hà luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”.
Không chỉ cam Sành, chè Shan tuyết và mật ong Bạc hà, Hà Giang thực sự là vùng nông nghiệp đặc hữu với 188 sản phẩm OCOP và có tới 178 sản phẩm được chế biến từ nông sản địa phương.
Nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối, chuỗi các siêu thị đánh giá cao các sản phẩm của tỉnh Hà Giang bởi sản phẩm có nét đặc trưng riêng.
Chị Thu Hoài, du khách Hà Nội đến Hà Giang cho biết: “Tôi từng lên Hà Giang du lịch. Các sản phẩm của Hà Giang như cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà.. đã thực sự chinh phục tôi. Tôi đã mua rất nhiều để gia đình sử dụng”.
Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân, các sản phẩm nông sản tiêu biểu của Hà Giang đang từng bước chinh phục người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài bằng uy tín và chất lượng.
Thu Hà