“Đỏ mắt” tìm nhà giá rẻ
Thống kê của một đơn vị nghiên cứu thị trường BĐS cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, giá bán căn hộ tại TP.HCM trung bình ở mức 45 triệu đồng/m2. Nguồn cung khan hiếm khiến không ít chủ đầu tư có xu hướng dạt ra các tỉnh lân cận thành phố đầu tư dự án mới, trực tiếp đẩy giá nhà ở những khu vực này lên cao.
Các phân khúc nhà ở tại TP.HCM đang sát lập mặt bằng giá mới. Nhiều người có nhu cầu thực cho rằng, họ khó có cơ hội sở hữu nhà tại TP.HCM với mức giá khoảng 40 triệu đồng/m2.
Ông H.V.T (ngụ Q.Thủ Đức) cho biết, gia đình ông đang thuê căn nhà trong hẻm ở Q.Thủ Đức từ 3 năm qua với giá 6 triệu đồng/tháng. Chán cảnh ở nhà thuê, ông T. tìm mua căn hộ chung cư 2 phòng ngủ với giá khoảng 2 tỷ đồng trở lại nhưng không quá xa trung tâm. Tuy vậy, suốt 1 năm qua, ông H. tìm “đỏ mắt” cũng không ra.
“Với điều kiện tài chính như thế, rất khó mua căn hộ nào ở khu vực trung tâm thành phố. Ở vùng ven như Q.12, huyện Bình Chánh hay Bình Tân, giá các dự án mới cũng đã hơn 30 triệu đồng/m2. Dịch chuyển ra Bình Dương, giá căn hộ trung bình đã 35 triệu đồng/m2”, ông H. chia sẻ.
Trong 26 dự án được giao dịch tại TP.HCM từ đầu năm đến nay chỉ có 163 căn hộ giá bán dưới 20 triệu đồng/m2. |
Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP.HCM chỉ có 26 dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 15.087 căn. Trong đó, có 5.339 căn hộ cao cấp có giá bán trên 40 triệu đồng/m2 và 9.585 căn hộ trung cấp giá bán từ 20 – 40 triệu đồng/m2.
Phân khúc nhà ở bình dân có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 vô cùng khan hiếm, chỉ có 163 căn. Trong khi cùng kỳ năm trước, nguồn cung căn hộ bình dân trên thị trường là 12.366 căn.
Riêng tháng 10/2020, trong 6 dự án (tổng số 8.365 căn hộ) đủ điều kiện huy động vốn, phân khúc trung cấp chiếm tỷ lệ đến 94,4% và phần còn lại là căn hộ cao cấp. Như vậy, phân khúc căn hộ bình dân dường như đã “vắng bóng” trên thị trường.
Giá nhà đang vượt khả năng chi trả của đa số người dân
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), giai đoạn 2018 – 2020, thị trường BĐS TP.HCM sụt giảm mạnh về nguồn cung, quy mô dự án cũng như lượng giao dịch nhà ở. Nguồn cung giảm khiến cho bộ phận người thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại đô thị và người nhập cư gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở.
Chủ tịch HoREA đánh giá, nguồn cung nhà ở có giá bán bình dân hiện rất khan hiếm trong khi nhu cầu của phân khúc này vô cùng lớn, bởi nó phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân có nhu cầu mua thực.
“Giá nhà ở hiện nay đang vượt khỏi khả năng chi trả của người thu nhập trung bình - thấp và đối tượng chính sách. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung, nhất là phân khúc bình dân, dẫn đến giá nhà tăng, người dân khó có cơ hội sở hữu nhà ở với giá 1,5 tỷ đồng trở lại.
Những năm gần đây, HoREA luôn khích lệ doanh nghiệp ưu tiên phát triển nhà ở phân khúc bình dân để cân bằng cung – cầu. Nhưng thực tế cho thấy, nguồn cung dự án nhà ở vừa túi tiền rất ít, luôn trong tình trạng cháy hàng. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nhà lần đầu lẫn doanh nghiệp đầu tư nhà diện tích nhỏ ở vùng ven”, ông Châu nói.
Nhà ở bình dân đang dần "vắng bóng" trên thị trường BĐS TP.HCM. |
Theo Bộ Xây dựng, so với cuối năm 2019, tại 2 thị trường BĐS lớn là Hà Nội và TP.HCM hiện có tình trạng nguồn cung giảm nhưng giá nhà ở lại tăng. Cụ thể, giá căn hộ chung cư tại TP.HCM tăng 0,25%, trong khi tại Hà Nội tăng ít hơn, khoảng 0,16%.
Báo cáo tình hình thị trường BĐS quý 3/2020, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong cơ cấu nguồn cung nhà ở mới tại TP.HCM, loại hình căn hộ có mức giá bình dân không còn xuất hiện trên thị trường. So với quý trước đó, giá bán căn hộ tăng mạnh, từ 15% - 20%.
Để thu hút doanh nghiệp tham gia thực hiện nhà ở thương mại giá thấp, theo ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ đang đề xuất giảm 50% tiền sử dụng đất cho nhà đầu tư. Bên cạnh việc dành 20% nhà ở xã hội tại các dự án ở đô thị, Bộ Xây dựng cũng đề xuất cần có 20% nhà ở thương mại giá thấp.
Chủ dự án nhà ở xã hội chậm giao nhà, khách hàng gửi đơn ‘xin’ căng băng rôn
Quá thời hạn đã cam kết nhưng chủ đầu tư nhà ở xã hội The Western Capital vẫn chưa bàn giao nhà. Quá bức xúc, nhiều khách hàng làm đơn gửi đến cơ quan “xin” được căng băng rôn để phản đối chủ đầu tư.
Phương Anh Linh