Theo khảo sát của VOV, lợi dụng nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế phòng dịch Covid 19 tăng cao, nhiều đối tượng đã lập các tài khoản Facebook để rao bán khẩu trang. Liên lạc với một chủ tài khoản Facebook bán khẩu trang, phóng viên được tư vấn.
“Lấy 1-2 thùng thì sẽ có giá khác, giá trên facebook là giá bán sỉ, toàn bộ đều là khẩu trang y tế hết nhưng chia làm 2 loại, một loại là vải kháng khuẩn, 1 loại là giấy kháng khuẩn. Hàng giấy thì người ta lấy về sẽ dùng xuất khẩu thôi. Muốn lấy bao nhiêu thùng đều cũng có, lấy lẻ thì giá sẽ cao hơn. Tùy theo khách sẽ bán thôi, vì đây đang là hàng “hot” trên thị trường bây giờ, vào khoảng 350.000 đồng/kg” - một chủ hàng nói.
Thị trường khẩu trang thật giả lẫn lộn. |
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện tình trạng lừa đảo bán khẩu trang. Các đối tượng đã sử dụng chiêu bài, bán khẩu trang để lừa đảo người dùng, thay vì một hộp bao gồm những chiếc khẩu trang kháng khuẩn như thông tin rao bán, thì người dùng lại nhận được là một vài chiếc khẩu trang vải thông thường.
Bức xúc và cảm thấy bị lừa, nhiều người tiêu dùng cho biết đã liên hệ với Fanpage để đòi được hoàn trả đơn hàng. Tuy nhiên, các phản ánh và kiến nghị của người tiêu dùng đã không được phía bán hàng hồi đáp.
Mới đây nhất, đại diện Bộ Y Tế cảnh báo đang có rất nhiều trang Fanpage giả mạo Bộ Y tế để bán khẩu trang các loại, khiến người dân hiểu lầm. Đơn cử như trang Fanpage có tên "Tổng kho Thiết bị Y tế - Bộ Y tế" đã rao bán khẩu trang công khai với giá 75.000 đồng/hộp, quảng cáo khẩu trang 4 lớp kháng khuẩn, đã tiệt trùng, lọc khuẩn, lọc virus, ngăn ngừa khói bụi. Hay trang Fanpage khác có tên “Khẩu trang chuẩn Bộ Y tế” còn giả mạo phiếu kết quả giấy chứng nhận sản phẩm để quảng cáo khẩu trang dưới mác chuẩn của Bộ Y tế.
Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên chuyển từ khẩu trang y tế sang khẩu trang vải và trong khi mặt hàng khẩu trang y tế khan hiếm hàng, thì một số doanh nghiệp dệt may đã đưa các sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của người dân.
“Thực tế, chúng tôi đã khuyến cáo trên các phương tiện đại chúng là người tiêu dùng không nên vì tâm lý mà chúng ta mua quá nhiều để mất cơ hội của người khác. Đặc thù của các doanh nghiệp may là không phải chuyên về khẩu trang, còn phải có cả thiết bị, bố trí sản xuất nên phải có thời gian nhất định để công nhân, người lao động quen với công nghệ may. Tất nhiên là sẽ có rất nhiều đơn vị cùng tham gia làm với chúng tôi để may khẩu trang phòng chống dịch tại cộng đồng” - ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết.
Trong cuộc họp với các nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối bán lẻ, mới đây, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, với yêu cầu từ ngày 16/3, người dân khi tới các nơi công cộng như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng đều phải thực hiện nghiêm đeo khẩu trang nên việc đáp ứng đủ nhu cầu khẩu trang cho người dân là cần thiết.
Với năng lực sản xuất lớn, chủ động nguồn nguyên liệu, Việt Nam có đủ điều kiện may và cung ứng các sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn đáp ứng nhu cầu người dân. Do vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may tập trung sản xuất, nâng cao năng suất, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân về mặt hàng khẩu trang:
“Câu chuyện liên quan kết nối thị trường cũng là bài học, đặt ra cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối và cho cả cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo cung ứng cho người dân, cho xã hội. Chúng ta sản xuất là để phục vụ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh nên chúng ta phải thực hiện nghiêm” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo các chuyên gia, người dân không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế mà hoàn toàn có thể sử dụng khẩu trang vải thay thế, hạn chế việc đổ xô đi mua khẩu trang y tế để kẻ gian lợi dụng bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Khẩu trang vải vẫn có khả năng giảm được sự lây nhiễm. Bên cạnh đó, lợi thế của khẩu trang vải là có thể tái sử dụng bằng cách giặt thường xuyên./.
Theo Báo điện tử VOV