Tín dụng tiêu dùng thích ứng linh hoạt sau dịch Covid-19

Năm 2022, nền kinh tế cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ… mở cửa trở lại đã thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng gia tăng. 

Tính đến ngày 30/09/2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Sự phát triển của tài chính tiêu dùng đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt, trong những tháng cuối năm và trong bối cảnh lãi suất tăng vào quý IV. Điều này thể hiện qua việc chậm đà tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, tín dụng hệ thống đã tăng 14,5% trong 2022, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái (+13,6%). Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 5% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 12 (6 tháng đầu năm đã tăng 9,5% so với đầu năm) - chậm lại rõ rệt khi ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

VietCredit ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong năm 2022 

Ngày 20/01/2023, Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit - “TIN”) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với thu nhập lãi thuần đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ, và lợi nhuận trước thuế đạt 76 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. 

Theo công bố này, VietCredit ghi nhận sự tăng trưởng mạnh so với năm 2021 về cả doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, những tháng cuối năm lại là thời điểm có nhiều biến động từ nền kinh tế vĩ mô nên đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh cả năm của VietCredit. 

Theo đó, những biến động về lãi suất và thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng - tài chính cuối năm, đặc biệt là trong quý IV/2022 đã tác động làm thay đổi kế hoạch bán hàng của công ty. Cùng với đó, vào thời điểm cuối năm, chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiều thay đổi nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, VietCredit thực hiện các chính sách xử lý nợ và quản lý rủi ro để đảm bảo quản lý cấu trúc danh mục lành mạnh hơn theo định hướng kinh doanh và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, dẫn tới chi phí dự phòng tăng cao so với cùng kỳ. 

Để công ty hoạt động hiệu quả, đại diện VietCredit cho biết công ty luôn chủ động với những diễn biến trên thị trường, tập trung quản trị rủi ro, kiểm soát chi phí hoạt động và có cách thức quản trị phù hợp. Vì vậy, trong quá trình phát triển, VietCredit đã tối ưu hóa chi phí bằng việc áp dụng chuyển đổi số trong quá trình vận hành. Công ty tiếp tục đặt kỳ vọng lớn vào công nghệ để mở rộng hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ và các giải pháp tài chính, trở thành trụ cột sinh lời trong những năm tiếp theo. 

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của VietCredit ghi nhận hơn 6.535 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt hơn 4.418 tỷ đồng. 

Được biết, sau 4 năm phát triển và kinh doanh thẻ tín dụng nội địa, đến hiện tại, VietCredit đã phát hành được hơn 400.000 thẻ. Không dừng lại ở đó, VietCredit lựa chọn việc đẩy mạnh chiến lược phát triển thẻ tín dụng nội địa với mục tiêu “mỗi người dân Việt Nam một thẻ tín dụng nội địa”, góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt cũng như triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, từng bước đẩy lùi tín dụng đen.

Thế Định