Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2018 tiếp tục thử thách các nhà đầu tư với cú tụt giảm thứ 2 liên tiếp. Lần đầu tiên trong khoảng 1 năm rưỡi qua, tình trạng bán tháo với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn trắng bên mua. Hơn 8 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường chỉ trong một phiên giao dịch.
Trong phiên sáng 6/1, có thời điểm VN-Index đã giảm 63,46 điểm (-6,44%) xuống 985,25 điểm. Đến 11h30, VN-Index giảm 61,61 điểm, xuống 987,1 điểm.
Cả sàn giao dịch chứng khoán đỏ rực khi ngay từ những phút đầu của phiên giao dịch ngày thứ 3, thị trường đón nhận hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bị kéo xuống mức giá sàn như BID, BVH, GAS, HDB, MSN, PLX, VRE, VIC, VCB…
Như vậy, chỉ trong 2 phiên giao dịch hôm qua và sáng nay, chỉ số VN-Index đã giảm tới hơn 12o điểm. Vốn hóa toàn thị trường đã bị bốc hơi khoảng 12 tỷ USD.
Kết thức giao dịch sáng, tình hình chưa có gì sáng sủa, nếu duy trì mức giảm này đến cuối phiên thì VN-Index sẽ ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất lịch sử cả về giá trị tuyệt đối và tương đối.
Đây có thể xem là một ví dụ điển hình của hiện tượng Thiên nga đen được nhắc đến trong cuốn “Thiên nga đen” của Nassim Taleb nói về hiện tượng có xác suất xảy ra cực nhỏ, nằm ngoài nhận thức và kiểm soát của số đông... nhưng rất hay xảy ra trên TTCK. Con người có thể tính toán đến từng giây lúc nào có nhật thực, nhưng không thể dự báo chính xác biến động giá chứng khoán. Các quy luật kinh tế đều phải chiếu qua lăng kinh tâm lý con người.
Giảm kỷ lục
Ngày 5/2, chỉ số chứng khoán Việt Nam giảm 56 điểm trở thành chứng khoán giảm mạnh nhất châu Á. Trước đó, 1 phiên giảm mạnh trong đầu năm 2018 là 17/1 mất gần 30 điểm
“Quá bất ngờ. Thị trường quay đầu giảm quá nhanh và sâu. Hàng trăm mã giảm sàn, với nhiều mã đã trắng bên mua, tình cảnh mà thị trường chứng khoán Việt Nam lâu lắm rồi chưa chứng kiến”, ông Nguyễn Văn Thành, một nhà đầu tư tại Hà Nội lo lắng.
Theo nhà đầu tư này, đây là phiên giảm kỷ lục cả về điểm số và tỷ lệ phần trăm. Chỉ số VN-Index bốc hơi 56,33 điểm, tương đương giảm tròn 5,1%, trong khi đó HNX-Index của Sàn Chứng khoán Hà Nội cũng giảm gần 4,1%.
“Thị trường giảm mạnh hơn cả những vụ chấn động từ trước tới nay như tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt hồi tháng 8 năm ngoái khiến thị trường bốc hơi 2 tỷ USD. Hay cú giảm chưa từng có hồi đầu năm 2013 cũng vì tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt khiến chỉ số chung giảm 4% và thị trường bốc hơi 1,6 tỷ USD trên cả 2 sàn”, ông Thành chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hiền, một nhà đầu tư trên sàn FPTS, cũng lo lắng về cú giảm mạnh chưa từng có và bất ngờ trong phiên giao dịch ngày 5/2. Bà Hiền không hiểu điều gì đang xảy ra khiến thị trường giảm mạnh hơn cả sự cố hồi tháng 8/2012 sau sự cố Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên). Ba phiên giảm liên tiếp khi đó khiến thị trường bốc hơi tổng cộng 4 tỷ USD trong 3 phiên.
“Các cú sốc trước lớn như vậy mà vẫn không so sánh được với hôm nay. Gần chục USD rớt khỏi túi các nhà đầu tư trong nước. Không hiểu điều gì đang diễn ra trong tuần cuối cùng trước Tết Nguyên đán”, bà Hiền than thở.
Trên thực tế, phiên giao dịch Thứ 2 đen tối 5/2/2018 chứng kiến số điểm giảm lớn nhất từ trước tới nay. Còn về tỷ lệ, mức độ giảm chỉ thua phiên “sự kiện biển Đông” ngày 8/5/2014, phiên có mức giảm lên tới gần 5,9% (giảm 33 điểm).
Điều đáng nói trong phiên giao dịch 5/2 lần này là nhóm cổ phiếu được kỳ vọng rất nhiều với kết quả kinh doanh vượt xa so với kỳ vọng của giới đầu tư: nhóm cổ phiếu ngân hàng - lại dẫn đầu.
Rất nhiều cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch 5/2 đã giảm giá mạnh, trong đó phần lớn giảm sàn như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Sacombank. Các cổ phiếu ngân hàng khác như VPBank, MBBank cũng giảm rất mạnh.
Nhóm cổ phiếu dầu với những tên tuổi lớn như PVD, GAS, PVS,... đều giảm hết biên độ cho phép.
Một số cổ phiếu trụ cột, nổi bật trên thị trường và mang đến niềm tự hào cho hàng chục ngàn NĐT và mang đến cho thị trường chứng vị tỷ phú USD người Việt như Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng, Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang, FLC của ông Trịnh Văn Quyết đều giảm sàn.
Cổ phiếu hàng không VietJet (VJC) của tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo và Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long cũng giảm gần hết biên độ cho phép.
Bước ngoặt sau phiên hoảng loạn cuối năm?
Đã lâu lắm rồi TTCK không chứng kiến một phiên hoảng loạn và bán tháo dữ dội đến như vậy.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, cho biết, thị trường giảm quá bất ngờ.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, thị trường giảm có thể do chịu ảnh hưởng tâm lý từ cú giảm đột ngột trên TTCK thế giới trong vài phiên gần đây. Các nhà đầu tư lo ngại thị trường có thể tạo đỉnh và đi xuống giống như từng xảy ra trong quá khứ.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, tâm lý bán chốt lời nghỉ Tết cộng hưởng với margin cũng có thể là nguyên nhân kích hoạt đợt giảm giá mạnh trên diện rộng của các cổ phiếu trên thị trường.
Trước đó, theo Bloomberg, TTCK thế giới trong đó có Mỹ đã trải qua vài phiên giảm rất mạnh sau khi lên mức cao kỷ lục mọi thời đại. Chỉ số công nghiệp Dow Jones trong phiên 2/2 giảm tới 666 điểm, chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng giảm 2,1%. Giới đầu tư không có chỗ trú ẩn khi mà toàn bộ 11 nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 đều giảm điểm mạnh.
Với mức giảm điểm mạnh, nhiều chuyên gia dự báo TTCK có thể chịu rủi ro trong ngắn hạn do ảnh hưởng của hiệu ứng margin call. Và thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh giảm. Áp lực chốt lời để đón một cái Tết “no ấm” cũng là những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.
Mặc dù đưa ra những nguyên nhân có thể khiến thị trường giảm điểm nhưng ông Tuấn vẫn bất ngờ với phiên ngày 5/2.
Ông Lê Quang Trí, một chuyên gia theo TTCK kể từ những ngày đầu thành lập và trải qua cú sốc thị trường giảm từ đỉnh năm 2007, cho rằng, TTCK giờ khác với xưa và triển vọng thị trường hiện tại nói chung vẫn ổn. Nhiều khả năng đây chỉ là hoạt động chốt lời.
Trước đó, trong buổi tổng kết của UBCK, đa số các chuyên gia đều cho rằng, TTCK đang diễn biến tích và có triển vọng tươi sáng. Theo đó, mọi thứ đang ủng hộ thị trường và xu hướng tăng là gần như chắc chắn trong năm 2018.
Ông Trần Thanh Tân, TGĐ Công ty Quản lý Quỹ VFM, cho rằng, so với 10 năm trước, TTCK đang phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và ông tin tưởng vào triển vọng dài hạn của TTCK và 2018 sẽ là một năm thuận lợi cho TTCK.
Cũng trong buổi tổng kết, ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch SSI, khi đó cho biết, TTCK Việt Nam hiện “như một giấc mơ” và trong những năm sau này, khi mà TTCK được nâng hạng thì đó là động lực thúc đẩy thị trường.
Theo ông Hưng, bản thân TTCK không thể tự nhiên tốt mà nhờ sự đóng góp của nhiều yếu tố. Đó là sự tốt lên của nền kinh tế Việt Nam năm vừa qua. Kinh tế đã phát triển theo đúng mục tiêu đề ra, nguyên nhân có được điều này là nhờ Chính phủ đã thay đổi mô hình chỉ đạo không huy động để phân bổ nguồn lực mà sẽ định hướng bằng chính sách để hướng nguồn lực đến khối tư nhân. Điều này tạo tính thị trường và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Trên thực tế, dòng tiền ngoại vẫn đang đổ rất mạnh vào thị trường. Trong tháng 1, khối ngoại mua ròng tới gần 9.000 tỷ đồng trên sàn HOSE và đây là tháng mua ròng thứ 4 liên tiếp. Tính chung trong 4 tháng, khối ngoại mua ròng 1 tỷ USD trên sàn này. Trong phiên “trắng bên mua” 5/2, khối ngoại cũng mua ròng 250 tỷ đồng.
Trong năm 2017, khối ngoại đã mua ròng rất lớn trên thị trường. Bên cạnh đó là các phiên đấu giá thành công giá trị tỷ USD như trường hợp Sabeco (gần 5 tỷ USD), Vincom Retal, Vinamilk, VPBank,... Hầu hết các NĐT ngoại đều không quan tâm tới giá trong ngắn hạn, như trường hợp Sabeco NĐT ngoại mua ở mức giá 320.000 đồng, lỗ cả tỷ USD khi giá xuống dưới 250.000 đồng/cp sau đó.
Nhưng trên thực tế, điều mà các NĐT ngoại cũng như NĐT nội dài hạn trên TTCK quan tâm là triển vọng của DN. Các cổ phiếu như Sabeco, Vinamilk, VRE, VietJet, Thế Giới Di Dộng, PNJ, MSN,... đều là những cổ phiếu đầu ngành. Giá tính theo thời điểm hiện tại, theo nhiều đánh giá, vẫn còn khá hấp dẫn.
M. Hà