Đây là quang cảnh của một phòng thí nghiệm theo dõi giấc ngủ, với các loại máy móc hiện đại nhưng không kém phần cồng kềnh. Người tham gia phải gắn các điện cực chằng chịt dây dợ lên người để phát hiện được chứng ngưng thở khi ngủ:
Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn phổ biến nhưng âm thầm, rất khó phát hiện. Cứ 4 người lớn thì có một người ngưng thở khi ngủ, trong đó, các mô mềm ở đường hô hấp trên và vòm miệng của họ bị sụt xuống, làm tắc một phần hoặc toàn bộ đường không khí đi ra và đi vào phổi.
Kết quả là người ngủ thường ngáy, thở nông, nồng độ CO2 trong máu tăng khiến adrenaline trong não giải phóng, tăng nhịp tim và đánh thức họ dậy. Ngưng thở khi ngủ gây gián đoạn giấc ngủ, khiến người mắc phải nó mệt mỏi, đồng thời tăng các nguy cơ mắc nhiều bệnh khác bao gồm trầm cảm và tiểu đường.
Vậy làm thế nào để phát hiện chứng ngưng thở khi ngủ, mà không phải ôm chăn gối đến tận phòng thí nghiệm để theo dõi?
Beddr, một công ty start-up tại Mỹ đã phát triển một thiết bị đeo nhỏ gọn để giúp bạn theo dõi cơ thể mình khi ngủ. Được gọi là SleepTuner, thiết bị nặng chỉ 5,3 gram và có kích thước bề mặt như một con tem. Bạn có thể dán nó lên trán theo nghĩa đen khi ngủ.
Phía dưới SleepTuner có một cảm biến quang học công nghệ LED hồng ngoại. Nó chiếu các tia sáng màu đỏ xuyên qua da người sử dụng để đo lường nhịp tim và cả nồng độ oxy trong máu của họ.
Đồng thời, một cảm biến gia tốc khác cho phép SleepTuner phát hiện tư thế và chuyển động của người sử dụng, những lần họ chợt thức giấc hoặc trở mình.
Nếu ai đó bị ngưng thở khi ngủ, họ có nhiều khả năng sẽ không hít được vào khi nằm ngửa và bị đánh thức dậy một lúc mà tự mình không nhận ra. Tuy nhiên, SleepTuner có thể ghi lại những hành động này và phát hiện hội chứng này nếu bạn mắc phải.
Kết nối với một ứng dụng trên điện thoại thông minh, thiết bị sẽ phân tích thời gian nhắm mắt mỗi đêm của bạn và đề xuất các biện pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ cho bạn nếu cần thiết.
Mike Kisch, CEO và đồng sáng lập Beddr cho biết công ty của anh hướng đến việc phát triển một thiết bị y tế thực thụ, một sản phẩm được thử nghiệm lâm sàng và chấp thuận bởi FDA. Bởi vậy, nó cần đạt đến độ chính xác và thu thập được nhiều thông tin tương đương một phòng thí nghiệm ngủ.
Beddr đã làm việc với nhiều chuyên gia và bác sĩ để thiết kế SleepTuner. "Chúng tôi đã nói chuyện, xem xét xem đâu là những thông tin cốt lõi mà các bác sĩ dựa vào đưa ra một chẩn đoán chính thức", Kisch cho biết. "Và một thông tin quan trọng mà các bác sĩ lặp đi lặp lại là oxy. Nồng độ oxy trong máu của ai đó trong khi họ ngủ là bao nhiêu? Họ có vấn đề về hơi thở khi ngủ không?".
Sau đó, Beddr đã thử nghiệm hàng chục nguyên mẫu thiết bị theo dõi khác nhau, để đi đến một thiết kế dính trên trán. Lí do vì da vùng trán không đặc biệt nhạy cảm, nhưng đó là một vị trí tốt để đo chính xác nồng độ oxy.
Thiết bị cũng được giảm trọng lượng đến tối đa, khiến nó chỉ còn nặng 5,3 gram. "Nhìn chung chỉ khoảng hai hoặc ba phút sau khi dán vào, mọi người hoàn toàn quên mất sự hiện diện của nó ở đó", Kisch nói.
SleepTuner đã được đưa vào một nghiên cứu lâm sàng, nói nó đo được mức oxy ở độ chính xác tương đương các thiết bị và máy móc cồng kềnh ở bệnh viện hoặc phòng thí nghiệm. Một nghiên cứu thứ hai chỉ ra SleepTuner có thể đạt tới độ chính xác tương đương xét nghiệm máu, tiêu chuẩn vàng để đo nồng độ oxy hiện tại.
Hiện tại, Beddr đã đăng ký thiết bị theo dõi giấc ngủ của mình với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Họ hi vọng vào đầu năm 2019, SleepTuner có thể được thông qua như một thiết bị theo dõi giấc ngủ tại nhà, thủ tục tương tự như FDA thông qua tính năng điện tâm đồ trên Apple Watch 4.
Giá của SleepTuner được tiết lộ vào khoảng 149 USD, tương đương gần 3,5 triệu VNĐ. Ngay bây giờ, bạn có thể đặt trước thiết bị theo dõi giấc ngủ này trên trang web của Beddr.
Theo GenK